Giới thiệu chung
Chi 1 gồm 2 ngành: Ngành 1 - cụ Phúc Mẫn gồm cụ Hải, cụ Ba Cầm, cụ Tiến (cụ Năm Cầm), cụ Huyến, cụ Chư, cụ Nghiêm, cụ Xuyến, cụ Cát, cụ Độ, cụ Long. Ngành 2 - cụ Trúc gồm cụ Vui, cụ Ả Viễn (con cụ Kính), cụ Vũ (con cụ Ngũ). Cụ Hải đi Sài Gòn năm 1940, cụ Tiến đi Sài Gòn năm 1941, cụ Vui đi năm 1943, hiện đang sống ở Đồng Mơ, Tam Hiệp, Yên Thế, Bắc Giang. Các gia đình còn lại đang sinh sống tại Lai Xá và Hà Nội.
Ban liên lạc của chi
Vì bản chi ít người nên không có ban tổ chức mà chỉ cử đại diện các gia đình để lo lắng các công việc của chi gọi là "Ban liên lạc". Ban gồm đại diện các gia đình: ông Tuấn, ông Thành, ông Bảo, ông Bình, ông Lân, ông Tâm
Việc đi thăm mộ các cụ
Trong những năm từ 1960 tới 1990, bản chi lấy ngày 27 – 1 ÂL (ngày giỗ cụ Phạm Quý Công tự Phúc Mẫn) làm ngày Chạp bản chi. Thời gian này cụ Phạm Văn Cát chủ trì tổ chức Chạp chi 1 tại nhà cụ Phạm Thị Chư (ông Lương Văn Thiện). Lúc đó kinh tế khó khăn, chủ yếu làm Chạp do cụ Cát, cụ Xuyến lo. Con cháu tập trung đi thăm mộ các cụ khắp cánh đồng. Vì mộ các cụ nằm rải rác khắp cánh đồng nên bản chi đi thăm mộ các cụ theo đoàn từ Bẫm, Cối Mèn trong, Cầu Mưỡu, Dền Rắn, Nghĩa Trang, Đình Lỗ tròn, Mã Cả. Từ năm 1990, Chạp bản chi chuyển xuống tổ chức tại nhà thờ họ. Vì xét thấy việc đi thăm mộ các cụ dịp 27 – 1 ÂL, cánh đồng đang cấy lúa nên không tiện cho việc đi lại, các cụ chọn ngày 1 – 1 dương lịch hàng năm để tổ chức Chạp bản chi, tất cả con cháu đều được nghỉ, thuận tiện cho việc đi thăm mộ các cụ. Sau năm 2008, nhà nước dần dần thu hồi ruộng ở các xứ đồng, mộ các cụ đã được chuyển gần hết về Nghĩa trang. Việc đi thăm mộ các cụ chủ yếu tập trung ở Nghĩa trang thôn Lai Xá. Ngày 27 – 1 ÂL bản chi vẫn tổ chức Hội Kỵ của bản chi nhưng chỉ đại diện các gia đình tham dự.
Các xứ đồng cần làm lễ
Ngày 1 – 1 hàng năm, làm lễ tại 6 xứ đồng: Cối Mèn trong (có mộ cụ Trưởng chi), Mã Cả (có mộ Cụ Tổ ông), Vườn Chuối (có mộ cụ Phạm Quý Công Tự Phúc Ninh), Dền Rắn (có mộ Cụ Tổ bà), Nghĩa Trang (có đa số mộ các cụ khắp cánh đồng chuyển về), Nghĩa trang thị trấn Phùng (có mộ cụ Phạm Văn Độ).
Chuẩn bị lễ ở mỗi xứ đồng
Một ông ngựa, hia mũ, quần áo dành cho quan thần linh, xôi, thịt, hương, hoa, hoa quả, rượu, nước, trầu cau, tiền vàng, nến.
Vì chi 1 ít người nên Ban liên lạc phân công 6 người làm lễ ở 6 xứ đồng, con cháu đi theo cắm hoa ở các ngôi mộ và lễ. Mỗi xứ đồng có bài văn khấn riêng, Quan thần linh cai quản xứ đồng, các cụ Tổ và các cụ có mộ tại xứ đồng đó.
Lễ ở nhà thờ
Sau khi chuẩn bị xong cỗ, ông trưởng dâng lên các bàn thờ lễ Tổ.
Thụ lộc
Cách thức tổ chức
Trước dịp mùng 1 – 1 dương lịch, ban liên lạc thông báo tới mọi thành viên, dâu, rể, nam, nữ, các cháu, nội ngoại về dự buổi Chạp bản chi. Mọi thành viên về dự không đóng góp theo xuất tham gia, kể cả trai, gái, dâu, rể nội ngoại.
Ban liên lạc xác định đây là dịp con cháu hướng tới cội nguồn, dâng lên Tiên tổ hương hoa, lễ vật thể hiện tấm lòng thành, thăm nhà thờ và mộ các Cụ Tổ và các cụ trong chi. Đây cũng là hoạt động mang tính giáo dục cao để các thế hệ con cháu biết kính trên nhường dưới trong cuộc sống đời thường. Chính vì vậy ban liên lạc đã động viên được đông đảo các thành phần tham gia, các thế hệ, con cháu, trai gái, dâu, rể nội ngoại. Hàng năm, tuy số lượng xuất đinh trong chi chỉ là 38 nhưng số lượng tham gia cũng được 8 mâm cỗ. Không khí của ngày đầu năm mới thật hân hoan phấn khởi khi con cháu nhớ tới Tiên tổ và cũng là dịp gặp gỡ, hàn huyên tâm sự, kết nối các mối quan hệ của mọi thành viên trong chi.
Đóng góp
- Thu tiền các xuất đinh hàng năm làm quỹ (không thu các đối tượng khác, nếu quỹ còn thì không thu).
- Ngày 1 – 1 dương lịch các thế hệ, con cháu, gái trai, dâu rể, nội ngoại về dự Chạp bản chi không đóng góp, chỉ cần báo số lượng người tham dự, càng đông càng vui, buổi Chạp càng thành công.
- Khi cần tu sửa các ngôi mộ trong chi hoặc việc đột xuất khác thì dùng quỹ hoặc huy động công đức. Ví dụ: ngày 1 tháng 1 năm 2019 khi cần sơn lại các ngôi mộ đã chuyển về Nghĩa trang, các cá nhân, gia đình đã hảo tâm công đức. Tổng tiền công đức là 30.100.000 đ (ba mươi triệu một trăm ngàn đồng)
Nề nếp còn lưu giữ
Một truyền thống báo hiếu với Tiên tổ, nhớ công ơn sinh thành mà nhiều gia đình, bản chi và dòng họ còn duy trì nhân dịp tết Nguyên Đán, đó là việc đưa lễ về lễ Tết Tổ tiên: gia đình cụ Chư, cụ Xuyến, cụ Cát, cụ Độ, cụ Long …..
Ông Tuấn cho ý kiến: “Việc các gia đình nhớ công ơn sinh thành của các Cụ Tổ, đã đưa lễ về Nhà thờ nhân dịp Tết nguyên đán, cơ bản chỉ cần trầu cau, tiền vàng, hương hoa, không quan trọng với các lễ vật khác.”
Lai Xá ngày 28 tháng 9 năm 2022
Ban liên lạc chi 1