LAI XÁ - LÀNG NHIẾP ẢNH – ĐẤT DANH NHÂN |
HOÀNG KIM ĐÁNG
- LAI XÁ-ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA
Lai Xá thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội). Theo huyền thoại lưu truyền: Làng Lai Xá đã có từ thời Hai Bà Trưng. Những nghĩa binh bị thương hoặc không muốn về quê hương, thấy Lai Xá là vùng “đất lành chim đậu” nên ở lại đây sinh cơ lập nghiệp.
Thời Trần, An Sinh Vương Trần Liễu là cha đẻ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cũng từng về đây lập bản doanh chiêu mộ và luyện quân. An Sinh Vương Trần Liễu còn cứu dân làng Lai Xá thoát khỏi nạn dịch chết người hàng loạt nên được dân địa phương biết ơn và suy tôn Ngài là “Thành Hoàng làng”.
Mới đây, Viện khảo cổ học và Trường đại học khoa học nhân văn quốc gia đã phát hiện và nhiều lần khai quật khu di chỉ Vườn Chuối (trong không gian canh tác của làng Lai Xá) tìm được nhiều ngôi mộ cổ, vũ khí và đồ dùng sản xuất. Qua nghiên cứu, xét nghiệm khoa học cho thấy có niên đại từ 2.000 đến 3.500 năm, từ giai đoạn Văn hóa Phùng Nguyên qua Văn hóa Đồng Đậu, Văn hóa Gò Mun đến Văn hóa Đông Sơn. Như vậy, Lai Xá còn có cư dân sớm hơn cả thời kỳ Hai Bà Trưng nhiều lắm. Đầu thế kỷ XX còn biết đến Lai Xá là một làng nhiếp ảnh duy nhất ở Việt Nam.
- LAI XÁ LÀNG NHIẾP ẢNH – ĐẤT DANH NHÂN
Sinh thời, nhà văn Tô Hoài đến dự cuộc họp của nhóm nghiên cứu lịch sử, văn hóa: “Nhiếp ảnh Hà Nội, những chặng đường…” ông thấy có đề cập đến Lai Xá nhưng còn mờ nhạt, ông yêu cầu phải đi điền dã để nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn. Tôi là người được trao nhiệm vụ đó. Qua nghiên cứu, tìm hiểu thấy có nhân vật Nguyễn Đình Khánh (1874 – 1946) là người làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ, về Hà Nội học nghề ảnh từ năm 16 tuổi (1890) ở hiệu ảnh Du Chương của người Trung Quốc ở phố Hàng Bồ - Hà Nội. Hai năm sau, năm 1892, ông đã xin ra ở riêng và mở hiệu ảnh ở phố Hàng Da, lấy tên hiệu là Khánh Ký.
Hiệu ảnh Khánh Ký sớm nổi tiếng trên đất Hà Thành. Hành nghề làm ăn phát đạt nên có thời kỳ mở thêm hiệu ảnh Khánh Ký ở phố Cửa Đông và phố Quang Trung (quận Hoàn Kiếm ngày nay). Có thời kỳ còn mở hiệu ảnh ở Nam Định rồi vào cả Sài Gòn (năm 1924) khai trương hiệu ảnh Khánh Ký ở phố Bonard, Sài Gòn (nay là đường Lê Lợi).
Hiệu ảnh Khánh Ký ở Sài Gòn làm ăn lớn. Đích thân ông Khánh Ký đào tạo hàng trăm thợ làm ảnh có trình độ kỹ thuật cao. Cũng từ đó ông nghĩ ra cần phải mở lớp hướng dẫn truyền nghề ảnh rộng khắp và ông lấy trai tráng làng Lai Xá theo học nghề ảnh. Học xong họ xin ra mở hiệu ảnh ở khắp nơi trong cả nước.
|
Theo sách “Lai Xá – Làng nhiếp ảnh” do NXB Chính trị quốc gia xuất bản năm 2004 có con số được thống kê: Ở Hà Nội có 33 hiệu ảnh nổi tiếng do người Lai Xá mở như Kim Lai, Mỹ Lai, Vạn Hoa, Thủ Đô ảnh viện, Aubella fôtô… Ở thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn xưa) có 34 cửa hiệu nổi tiếng như các hiệu ảnh: Văn Vấn, Mỹ Lai, Tân Lai, Nguyễn Luyện, Thịnh Ký…nhưng hiệu ảnh Khánh Ký vẫn là lớn nhất và nổi tiếng nhất. Hải Phòng có tới 16 cửa hiệu nổi tiếng như Phúc Lai, Thiên Nhiên Foto, Kim Dung, Mỹ Dung… là những cửa hàng của người làng Lai Xá. Từ vùng cao Tây Bắc, Việt Bắc như Tuyên Quang, Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Sapa…đến vùng châu thổ sông Cửu Long như An Giang, Mỹ Tho, Tiền Giang…Ở Bến Tre có Đinh Bá Trung được giải thưởng ảnh quốc tế, là học trò lớp đầu tiên do Khánh Ký đào tạo. Các tỉnh đã nhắc ở trên đều có hiệu ảnh người Lai Xá. Thợ làm ảnh người làng Lai Xá còn đi làm ăn, mở cửa hiệu ở nước ngoài như Lào, Campuchia, Mianma, Trung Quốc, Pháp, Đức, Mỹ…cho nên người ta gọi Lai Xá là làng nhiếp ảnh.
Tính từ năm 1892 đến năm 1945 có đến 150 cửa hiệu ảnh của người Lai Xá và có trên 2000 người làm thợ ảnh. Năm 1892 cũng là dấu mốc cho chặng đường phát triển nhiếp ảnh dịch vụ ở Lai Xá. Đến hôm nay (2022) nhiếp ảnh Lai Xá có niên đại 130 năm và cụ Khánh Ký được suy tôn là ông tổ làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá. Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây cấp bằng công nhận là “Làng nghề nhiếp ảnh truyền thống thôn Lai Xá” vào năm 2001.
Khánh Ký không chỉ làm dịch vụ ảnh và đào tạo nghề ảnh. Ông còn tham gia hoạt động yêu nước trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội. Năm 1912 do bị lộ, ông tìm đường sang Pháp mở hiệu ảnh ở đại lộ Malesherbe (Paris) và tham gia “Hội đồng bào thân ái” do Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường chủ trương.
Năm 1917, “Hội những người An Nam yêu nước” được thành lập. Hội gồm các nhà lãnh đạo hoạt động, tiêu biểu như Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh, Nguyễn Đình Khánh, Hai Tân, Lê Văn Sao…do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp lãnh đạo(1). Nguyễn Đình Khánh có mối quan hệ đặc biệt với Nguyễn Ái Quốc. Ông dạy Nguyễn Ái Quốc chấm sửa ảnh để có thể mở một hiệu ảnh vừa kiếm sống vừa hoạt động cách mạng. Năm 1924-1925 khi Nguyễn Ái Quốc mở các lớp huấn luyện cho các thanh niên trong Việt Nam-Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Quảng Châu, Trung Quốc, thì Nguyễn Đình Khánh cũng về đấy mở hiệu ảnh Thiên Nhiên. Năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp, Người đã đến đặt vòng hoa tại mộ Nguyễn Đình Khánh khi ông vừa qua đời trước đó một tháng.
Khi Phan Chu Trinh mất, đám tang của ông trở thành một sự kiện chính trị quan trọng lúc bấy giờ. Đám tang của ông lên đến hàng ngàn người ở Sài Gòn. Để tang Phan Chu Trinh trở thành một phong trào lan rộng cả nước thúc đẩy ý thức dân tộc của nhân dân. Nguyễn Đình Khánh tham gia tích cực vào sự kiện này. Báo chí đương thời đăng tin về Ban lễ tang. Ông là một trong những thành viên của Ban tổ chức lễ tang này. Với tư cách là một nhà nhiếp ảnh, Nguyễn Đình Khánh đã để lại một Album ảnh phản ảnh chân thực sự hoành tráng và tình cảm của nhân dân với nhà Cách mạng yêu nước Phan Chu Trinh.
Ngày 8/5/1934, tại Pháp ông đề xuất và thuê in bản đề án bằng tiếng Pháp mang tên: “Phác thảo kế hoạch chấn hưng Đông Dương”. Ông tự nguyện góp toàn bộ tài sản vào công quỹ để thực hiện bản đề án đó. Tuy đề án không thành nhưng điều đó cũng thể hiện rõ một Khánh Ký: Nhà nhiếp ảnh tài năng - người thầy lớn - Ông tổ làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá – Nhà hoạt động Cách mạng nổi tiếng – Doanh nhân văn hóa Việt Nam cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Với tài năng và những cống hiến to lớn như vậy, giới nhiếp ảnh và nhân dân Việt Nam mong muốn có một trường chuyên đào tạo về nhiếp ảnh mang tên Nguyễn Đình Khánh và một con đường mang tên ông ở Thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm 148 năm sinh (1874-2022) và 130 năm hoạt động cách mạng của ông.
Giáo sư Nguyễn Văn Huyên (1908 – 1975) cũng là người làng Lai Xá. Giáo sư sử học Hà Văn Tấn trân trọng và kính phục ông, đã đặt tiêu đề cho bài viết của mình: “Nhà bác học Nguyễn Văn Huyên với Văn hóa Việt Nam”.Quả vậy ngày 17/2/1934, năm 26 tuổi, trong luận văn tiến sĩ được bảo vệ tại Đại học Sorbonne (Pháp), ông đã bảo vệ thành công hai công trình lớn về văn hóa Việt Nam bằng tiếng Pháp. Chủ tịch Hội đồng giám khảo chấm luận văn – Giáo sư Vendryes đánh giá: “Đây là một sự kiện lớn lao trong lịch sử Sorbonne”. Nhà xuất bản Paul Guethener (Paris) đã cho in luận văn thành hai cuốn sách riêng. Năm 1934 đậu Tiến sĩ Văn Khoa, Nguyễn Văn Huyên về nước và khước từ làm quan mà dạy học tại Trường Bưởi, sau này mang tên trường Chu Văn An – Nơi đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Ông dành 10 năm sau đó chuyên nghiên cứu khoa học. Nguyễn Văn Huyên đã công bố thêm 44 công trình nghiên cứu khoa học có giá trị vẫn mang chủ đề về Văn hóa và Văn minh Việt Nam bằng tiếng Pháp! Điều đó cho thấy Nguyễn Văn Huyên là một tài năng kiệt suất.
Sau Cách mạng tháng Tám (1945), Bác Hồ trao cho ông nhiều trọng trách: Tổng giám đốc Đại học Vụ kiêm Giám đốc Viễn Đông Bác Cổ; làm cố vấn cho Chính phủ tại Hội nghị Đà Lạt và thành viên Hội nghị Phôngten nơ bơ lô (Pháp, năm 1946).
Từ tháng 11 năm 1946 đến khi qua đời (10/1975) ông đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ giáo dục Việt Nam suốt 29 năm liên tục mang lại cho ngành giáo dục rất nhiều thành tựu vẻ vang Ngoài cương vị Bộ trưởng, ông đã lãnh đạo thực hiện 2 cuộc cải cách giáo dục, thúc đẩy sự phát triển ngành giáo dục ngay trong 2 cuộc kháng chiến vô cùng ác liệt. Đương thời cũng như khi đã mất, ông được được nhân dân yêu mến và kính trọng.
Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều thành phố khác ngày nay đã có tên đường Nguyễn Văn Huyên, nhiều trường học mang tên Nguyễn Văn Huyên. Tại Lai Xá quê hương ông có một bảo tàng mang tên: “Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên” do con trai ông, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Nhà nghiên cứu dân tộc học, người sáng lập ra Bảo tàng dân tộc học Việt Nam và là người trực tiếp làm Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên.
Giáo sư – họa sĩ Nam Sơn (Nguyễn Vạn Thọ) rút gọn lại thành Họa sư Nam Sơn. Họa sĩ người Pháp V.Tardieu (1870 – 1937) và họa sư Nam Sơn (Việt Nam) 1890 – 1973 là người “Đồng sáng lập” ra trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (1925). Họa sư Nam Sơn cùng năm sinh với Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngoại hình tương đối giống Bác Hồ nên mới có chuyện lính Pháp bắt nhầm và reo lên đã “ bắt sống được Hồ Chí Minh!” khi ông đang vẽ cảnh Hà Nội hoang tàn đổ nát hồi Pháp tạm chiếm năm 1947. Họa sư Nam Sơn là tác giả bức tranh hội họa cỡ lớn (1.7m x 4m) mang tên: “Núi rừng Việt Bắc” vẽ năm 1952 do Hội từ thiện đặt vẽ để bán đấu giá. Vị Thủ hiến Bắc Việt mua bức tranh đó và treo trang trọng tại phòng khánh tiết mà không hiểu thâm ý của người làm ra nó. Vẽ bức tranh “Núi rừng Việt Bắc” là dịp để họa sư Nam Sơn gửi gắm tấm lòng yêu nước của mình với Chính phủ kháng chiến. Bức tranh vẽ bằng mực nho khá đẹp và hoành tráng, diễn tả núi rừng Việt Bắc bao la hùng vĩ. Trên nền trời có đàn chim bay hình chữ M. Chữ M tách ra thành hai chữ V-M (tức Việt Minh). Tháng 10/1954 khi Chính phủ kháng chiến về tiếp quản Thủ đô thì vị Thủ hiến Bắc Việt và bức tranh cũng biến mất ra nước ngoài! Sau Cách mạng Tháng Tám (1945) họa sư Nam Sơn được cử vào Ban phụ trách tiếp quản Trường Viễn Đông Bác Cổ. Năm 1957, ông được bầu là Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam và tiếp tục sáng tác cho đến năm cuối đời (1973), để lại một gia tài tác phẩm hội họa lớn với hơn 400 tác phẩm các thể loại. Tranh của họa sư Nam Sơn được nhiều giải thưởng quốc tế ở Pháp và Ý…được trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật ở Paris và Rome.
Lai Xá còn có gia đình cụ Nguyễn Văn Đính chủ hiệu ảnh Phúc Lai photo ở Hải Phòng là học trò lớp đầu tiên của thày Khánh Ký dạy ở Quảng Châu, Trung Quốc vào những năm 1925 - 1926. Cụ Đính sinh hạ được ba người con trai, nuôi cho học hành tấn tới. Ba anh em, ba người con trai đều trở thành ba nhà khoa học nổi tiếng, đó là Nguyễn Quang Riệu (nhà vật lý thiên văn, Đài thiên văn Paris, người phát hiện và xác định vị trí vụ nổ chòm sao Thiên Nga, giải thưởng Viện Hàn lâm khoa học Pháp; Nguyễn Quang Quyền (nhà giải phẫu học và nhân trắc học hàng đầu ở Việt Nam và Nguyễn Quý Đạo (nhà hóa học với 3 bằng sáng chế ở Pháp). Một gia đình sinh ra ba người con đều trở thành những nhà khoa học tài năng và nổi tiếng như vậy là hiếm có.
Lai Xá còn có bốn sự kiện gắn với Bác Hồ, kể cũng lạ và quả thật có ý nghĩa:
- (Nguyễn Đình Khánh-Khánh Ký) cùng hoạt động với Bác Hồ ở bên Pháp, giúp Bác Hồ, Phan Chu Trinh về tài chính và hướng dẫn Bác làm nghề ảnh để có kinh phí hoạt động Cách mạng. Sau về Quảng Châu mở hiệu ảnh Thiên Nhiên, có lẽ cũng là một cách để giúp Bác.
- Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên người được Bác Hồ tin cẩn, giao trọng trách “Tư lệnh” đứng đầu ngành giáo dục gần 30 năm.
- Vũ Đình Hồng là một nghệ sĩ nhiếp ảnh luôn ở bên Bác, chuyên chụp ảnh cho Bác Hồ trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Tác phẩm đẹp và nổi tiếng của Vũ Đình Hồng là bức ảnh “Bác Hồ với bộ đội Hải quân” chụp ngày 15/3/1961 khi Bác Hồ đi thăm và căn dặn cán bộ chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam rằng: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó…”
- Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang Thái là người có vinh dự được giao nhiệm vụ tổ chức vận trù học cho các đoàn viếng Bác Hồ ở Hội trường Ba Đình khi Người qua đời.
|
Thôn Lai Xá (xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) ngày nay có đến hai Bảo tàng danh nhân, đó là Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá với vị Tổ nghề là Khánh Ký (Nguyễn Đình Khánh) và Bảo tàng danh nhân – Nhà khoa học giáo dục Nguyễn Văn Huyên, người được tặng thưởng Huân chương cao quý: Huân chương Độc lập Hạng Nhất và Truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học đợt đầu tiên, năm 1996.
Từ Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên đi ra, ngay ở đầu làng đã hiện hữu Phòng trưng bày ảnh Nghệ thuật Nguyễn Anh Tuấn và tại Nhà văn hóa thôn Lai cũng có phòng trưng bày thường xuyên tác phẩm nhiếp ảnh của các nghệ sĩ: Văn Phúc, Phạm Thành, Phạm Kim, Vũ Đình Hồng, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Xuân Dịu, Nguyễn Đức Căn và nhiều ảnh của các hội viên Câu lạc bộ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh.
Tên tuổi các nhà đạo diễn điện ảnh, quay phim ở Lai Xá cũng đóng góp không nhỏ cho nền Nghệ thuật điện ảnh Việt Nam, như nhà quay phim kiêm đạo diễn Nguyễn Đắc, Nghệ sĩ nhân dân, nữ đạo diễn điện ảnh Bạch Diệp, Liệt sĩ quay phim Nguyễn Văn Giá. Lớp kế tiếp như: Nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn Nguyễn Như Vũ, đạo diễn Phi Tiến Sơn, các nhà quay phim như Phí Đức Quang, Đinh Văn Viện…
Thôn Lai Xá ngày nay với diện tích chừng 300.000m2, có 5 xóm và khu phố Lai, chỉ cách Thủ đô Hà Nội 15km, theo đường quốc lộ 32 về phía Bắc mà có một không gian đầy ắp những sự kiện văn hóa, lịch sử và cuộc sống con người nổi tiếng đến như vậy. Nếu nhìn ra, biết phát huy các thế mạnh ấy ắt Lai Xá sẽ sớm trở thành một địa chỉ, tụ điểm du lịch về Văn hóa, Lịch sử khá hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội và cả nước.
Hà Nội, những ngày nạn dịch Covid 2021
H.K.Đ
* Chú thích (1) xem Thu Trang (Công Thị Nghĩa): “Nguyễn Ái Quốc tại Paris” (1917 – 1923) do NXB Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2002, trang 64 - 65
* Ghi chú: Ảnh theo bài gồm:
1. Chân dung Khánh Ký (1874 - 1946).
2. Chân dung Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn Huyên (1908 - 1975)
3. Chân dung họa sư Nam Sơn (1890 – 1973)
4. Ảnh ngày lễ hội có biểu trưng nhiếp ảnh Lai Xá
Bài viết đăng trên VănhọcNghệthuật thứ năm ngày 12 tháng 5 năm 2022. Số 19 (94).
Nguồn: Ông Nguyễn Văn Thắng