Ốm đau đừng đổ tại trời

Ốm đau là tại chính người ốm đau

NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG

Những năm đầu đời, được thầy u chăm bẵm, đòi ăn có ngay, lớn nhanh thư thổi trôi qua nhanh chóng. Phần lớn thời gian trong vòng ta cha mẹ là những năm tháng kinh tế gia đình cực kỳ khó khăn, “có gì ăn nấy”, chẳng dám dòi hỏi, chỉ mong đến ngày giỗ tết được ăn thịt, cá, mặc quần áo mới. Những năm ấy, tôi chẳng có ý thức, kinh nghiệm gì về giữ gìn sức khỏe. Chỉ mong sao được ăn no, mặc ấm. Bởi vậy tôi đã để lỡ một cơ hội di du học nước ngoài chỉ vì gầy yếu và mắc sai lầm trong rèn luyện sức khỏe dẫn đến mắc bệnh lao phổi trong những năm học đại học.

Tôi cưới vợ năm 1970, lúc đó thầy u tôi tiền ăn còn chưa đủ và tôi còn mắc nợ tiền mua xe đạp được công đoàn phân phối. Mãi đến năm 1972, tôi mới trả hết nợ cho thầy u và bản thân mình. Năm 1974, vượt qua kỳ thi sát hạch trình độ và sức khỏe, tôi được học bổng đi Ba Lan làm nghiên cứu sinh bốn năm. Trong bốn năm ấy, tuy làm việc căng thẳng nhưng tôi ăn uống đầy đủ để giữ sức khỏe.

Năm 1978, sau khi bảo vệ thành công luận án, tôi trở về nước đúng lúc Việt Nam đang ở thời kỳ bao cấp (1976 - 86). Tất cả nhu yếu phẩm được phân phối theo tem phiếu do nhà nước điều hành. Cán bộ công chức chỉ được có 13 kg lương thực / tháng. Do gạo ít nên thường ăn độn thêm ngô, khoai, sắn, bo bo. Phần gạo do trung ương cấp còn phần độn do địa phương phụ trách thêm vào, như 13 kg gạo thì có 10 kg là độn khoai, sắn... Thậm chí nhiều khi gạo bị mọt, mốc… Mỗi tháng được 3 lạng thịt hoặc mỡ lợn, 3-5 kg rau, 1 lít nước mắm… Ăn uống rất kham khổ, thiếu thốn, làm việc lại căng thẳng, ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe.

Như vậy suốt những năm tuổi trẻ, cơ thể cần dinh dưỡng để phát triển thì tôi lại ăn uống kham khổ, thiếu thốn. Thêm vào đó những sai lầm ấu trĩ đã ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe. Tuy nhiên sau những gì đã xảy ra, nhờ ham học hỏi, tôi ngộ ra nhiều điều:

- Sức khỏe là vốn quí nhất của con người đơn giản là vì không có sức khỏe, không có gì hết, ngay cả sinh mạng. Sức khỏe là nền tảng cho sự phát triển của con người về mọi mặt.

- Con người không sống cô độc trong thế giới này, dù muốn. Chúng ta có thể sống tách biệt với xã hội loài người nhưng không bao giờ đoạn tuyệt được mối quan hệ với môi trường thiên nhiên và những ảnh hưởng của xã hội. Ở bât kỳ đâu trên trái đất này, sức khỏe của mỗi con người luôn chịu ảnh hưởng bởi những tác động của xã hội và môi trường thiên nhiên bao quanh mình. Những tác động đó có thể làm ta bệnh tật, ốm đau, phiền muộn…, cũng có thể làm ta khỏe mạnh, sảng khoái, an nhiên hạnh phúc. Mặt khác con người phải đối mặt với sự lão hóa. Lão hóa là quá trình tất yếu của cơ thể sống, là một tiến trình tự nhiên và xảy ra liên tục. Hiện tượng này tăng dần theo thời gian. Lão hóa làm giảm khả năng chống chọi với stress, mất dần cân bằng nội môi và tăng nguy cơ mắc các bệnh tật... Như vậy, lão hóa là hiện tượng tự nhiên không thể nào tránh khỏi. Theo ý kiến của BS.Denham Harman (Trường Đại học Nebraska) đưa ra hồi năm1950: Các gốc tự do sinh ra từ những phản ứng sinh học trong cơ thể con người, có một điện tử đơn độc ở lớp ngoài cùng,với áp lực mạnh của điện tử đơn độc, gốc tự do có khả năng tương tác với tất cả các phân tử của những tế bào lành mạnh bên cạnh nó, phá vỡ hoàn toàn màng tế bào, làm hư hại gen di truyền hoặc hủy hoại toàn bộ tế bào… Nói một cách khác các gốc tự do là nguyên nhân của sự tự hủy hoại tế bào, của sự lão hóa tế bào gây ra hằng trăm bệnh cho cơ thể.

Khi đối mặt với lão hóa, tôi không có ý đồ đạt được sự bất tử nhờ đảo ngược sự lão hóa tế bào bởi lẽ: Đó là ảo tưởng. Nó có thể tạo nên sự phân rã toàn cầu khi cái chết không còn nữa. Trái đất sẽ không còn đủ chỗ trú ngụ cũng như đủ sức để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của con người, tạo thêm gánh nặng cho thế hệ sau. Mặt khác, nếu tất cả đều bất tử thì có lẽ những trải nghiệm, những ước mơ, khát vọng… trong cuộc sống sẽ không còn ý nghĩa và con người sẽ chẳng còn thiết tha với điều gì nữa... Không có cách nào giúp cải lão hoàn đồng. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể kìm hãm sự tăng tốc và hạn chế tác hại của nó.

- Mỗi khi mắc bệnh chúng ta thường nhờ cậy bác sĩ. Để có thể đưa ra y lệnh, bác sĩ cần biết các thông tin về tình trạng bệnh bằng cách, đo huyết áp, nhiệt độ cơ thể, bắt mạch và hỏi người bệnh những thông tin về bệnh sử, các thuốc đã dùng và cảm nhận của bệnh nhân về các triệu chứng … Sau đó tiến hành các xét nghiệm cần thiết để xác định đúng bệnh cần điều trị. Tuy nhiên không phải bao giờ việc đó cũng diễn ra suôn sẻ ngay cả khi chúng ta khai báo cẩn thận, đầy đủ những điều bác sĩ hỏi. Mặt khác, không phải khi nào ta cũng gặp được bác sĩ giỏi, có trách nhiệm. Nếu gặp bác sĩ chủ quan, tắc trách, thậm chí mắc sai lầm, hậu quả sẽ khôn lường. Tuy nhiên, lỗi bao giờ cũng thuộc về người bệnh! Nhiều người có tâm tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”. Điều đó có thể dẫn đến hậu quả xấu do loạn thông tin.

- Khỏe mạnh là trạng thái cơ thể không bệnh tật, không yếu đau về thể chất, sảng khoái, hạnh phúc về tinh thần trong môi trường sống. Bởi vậy, để có cuộc sống an nhiên, hạnh phúc phải biết giữ gìn sức khỏe.

- Hạnh phúc thực chất là cảm xúc mà con người luôn luôn khát khao. Hạnh phúc không phải là đích đến mà chính là hành trình ta đang đi và chỉ cảm nhận được khi ta sống khỏe mạnh.

- Các cụ dạy rằng “Tiên trách kỷ - Hậu trách nhân”. Còn tôi nghĩ rằng “Đừng bao giờ trách người. Hãy trách mình!”. Bác sĩ và những người ta “vái tứ phương” mà có đều là những người ta tin tưởng. Họ không ép buộc mà cho ta những lời khuyên. Chấp nhận hay không là quyền ở mình. Họ không có lỗi gì cả, Trừ trường hợp họ tắc trách, phạm y đức. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp xấu xảy ra, chính mình là người chịu thiệt hại. Bởi vậy bản thân phải luôn tìm hiểu những kiến thức về y, dược học và lắng nghe cơ thể để chủ động tiếp thu một cách tối ưu những lời khuyên của bác sĩ.

- Chữa bệnh có thể nhờ bác sĩ nhưng để mắc bệnh rồi mới nhờ cậy bác sĩ là một sai lầm nghiêm trọng. Phòng bệnh mới là cách tốt nhất để giữ gìn sức khỏe. Bác sĩ có thể chữa khỏi bệnh nhưng phòng bệnh, ngăn không để bệnh tật xảy ra không ai có thể làm tốt hơn mình, nếu mình chịu khó học hỏi. Đơn giản là vì chỉ mình mới hiểu rõ bản thân mình, mới cảm nhận rõ các tác động bất thường có hại của môi trường xung quanh và mới kịp thời có biện pháp phù hợp ngăn chặn chúng.

Còn tiếp …

Trích HỒI KÝ - Phạm Đức Nhuận

Phân loại