Thưa toàn thể quý vị! Cùng toàn thể các thế hệ con cháu nội ngoại của họ Phạm Đại Tôn thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội!

Ban khánh tiết xin điểm lại một số nét về dòng họ trong 100 năm qua để các cụ, các ông, bà đã từng chứng kiến, từng được nghe thì kiểm nghiệm, đặc biệt các con cháu hậu duệ của dòng họ (đời thứ 11, 12, 13 và về sau) mai này hiểu được phần nào sự phát triển của dòng họ trong bối cảnh lịch sử của đất nước, quê hương giai đoạn từ 1920 đến 2020.

Tình hình quốc tế và trong nước từ những năm 1920

Đất nước ta đã trải qua một thời gian dài dưới sự đô hộ của thực dân Pháp. Cùng với đó là xã hội phong kiến có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của toàn dân Việt Nam. Đặc biệt là những vùng mà thực dân Pháp và đế quốc Nhật chiếm đóng, cai trị như miền Bắc, tỉnh Hà Đông, huyện Hoài Đức, làng Lai Xá - nơi con cháu của dòng họ Phạm sinh sống.

1. Chiến tranh thế giới thứ 2

Ngày 1 tháng 9 năm 1939 chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, lôi kéo hơn 76 nước tham gia, trong đó có thực dân Pháp. Việt Nam lúc đó là thuộc địa của Pháp, nên chịu ảnh hưởng gián tiếp của cuộc chiến này. Lúc bấy giờ ở việt Nam, thực dân Pháp ra sức vơ vét để bù đắp vào những thiệt hại của chiến tranh. Chúng thực hiện chính sách “Kinh tế chỉ huy”: Tăng thêm mức thuế cũ, đặt thêm nhiều thuế mới, đồng thời sa thải bớt công nhân ở các đồn điền, hầm mỏ, xí nghiệp, giảm bớt viên chức, giảm tiền lương, tăng giờ làm. Chúng tăng cường bắt lính, vơ vét các nguyên, nhiên liệu để phục vụ cho chiến tranh.

2. Năm 1947

Năm 1947 thực dân Pháp mở rộng phạm vi xâm lược ra Bắc Kỳ và cai trị các làng quê, trong đó có làng Lai Xá. Đối với các làng quê ở miền Bắc lúc đó, thực dân Pháp cai trị thông qua đội ngũ tay sai người Việt như Chánh tổng, Lý trưởng.

Trong thời gian này, ngoài sự đô hộ của thực dân Pháp thì phát xít Nhật nhảy vào nước ta từ ngày 22 tháng 9 năm 1940. Từ đây nước ta có hai kẻ thù ngoại bang, chúng đều ra sức bóc lột dân ta. Dân ta chịu cảnh “một cổ hai tròng”. Phát xít Nhật ra sức cướp ruộng đất của nông dân, bắt dân ta phải nhổ lúa, phá màu để trồng đay và thầu dầu để phục vụ cho nhu cầu của chiến tranh. Chúng tăng cường thu mua lúa gạo của nhân dân ta để nuôi quân tại chỗ.

Có bài thơ mô tả chính sách thuế của Pháp đối với dân ta:

“Các hạng thuế các làng tăng mãi

Hết đinh điền rồi lại trâu bò

Thuế chó, cũi, thuế lợn gà

Thuế thằng chức sắc, thuế con hát đàn

Thuế dầu, mật, thuế sơn mọi lối

Thuế gạo, rau, thuế muối, thuế bông

Thuế tơ, thuế sắt, thuế đồng

Thuế chim, thuế cá khắp trong lưỡng kỳ

Thuế gò, thuế bãi, thuế cồn

Thuế muối, thuế rượu, thuế đò, thuế xe

Thuế sản vật, thuế chè, thuế thuốc

Thuế môn bài, thuế thuốc, thuế đền

Thuế nhà cửa, thuế chùa chiền

Thuế rừng tre nứa, thuế thuyền bán buôn

Thuế hết cả phấn son, phường phố

Thuế những anh thuốc lọ gầy mòn

Các hạng thuế kể chi cho xiết

Thuế xí kia mới thiệt lạ lùng

Làm cho thập thất, cửu không

Làm cho đau đớn khôn cùng chưa thôi”

Chính sách vơ vét, bóc lột của Pháp và Nhật đã đẩy nhân dân ta vào chỗ bần cùng về kinh tế, ngột ngạt về chính trị. Đó chính là nguyên nhân sâu xa và trực tiếp dẫn tới nạn đói cuối năm 1944, đầu năm 1945, làm cho hơn 2 triệu đồng bào ta chết đói.

Ngoài ra, thiên tai, vỡ đê, lũ lụt, sâu bệnh gây mất mùa tại miền Bắc (tháng 9/1944, vỡ đê La Giang, Hà Tĩnh, đê sông Cả, Nghệ An). Bệnh dịch tả lây lan nhanh và rộng khắp trong mùa lũ cũng góp phần làm tăng thêm nạn đói.

Phần lớn nông dân không có hoặc chỉ có rất ít đất canh tác, nên không có khả năng sản xuất đủ lương thực nuôi sống gia đình.

Ở các làng quê ở miền Bắc, người dân thiếu ăn vì thóc gạo đã bị lấy sạch. Ở thành phố, người dân ăn gạo "bông" (phiếu mua gạo) do chính quyền Pháp phân phát.

Khẩu hiệu “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói” của Việt Minh được thực hiện ở khắp Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Tại các tỉnh như Ninh Bình, Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hải Phòng, ngoại thành Hà Nội.

pha kho

Năm 1945, Việt Nam có khoảng 23 triệu người, trong đó có 9 triệu người sống trong các tỉnh có nạn đói.

3. Theo các con số thống kê

“Nhiều làng xã chết 50-80% dân số, nhiều gia đình, dòng họ chết không còn ai. Làng Sơn Thọ, xã Thụy Anh (Thái Thụy, Thái Bình) có hơn1.000 người thì chết đói mất 956 người. Thôn Thạch Lỗi (nay là thôn Quang Minh), xã Thạch Lỗi, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay thuộc TP. Hà Nội) gần như cả thôn đều chết đói (trừ trẻ em).”

“Lịch sử đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Hà Sơn Bình cũ ghi rõ: Trong nạn đói năm 1945, khoảng 8 vạn người (gần 10% dân số trong tỉnh) chết đói, nhiều nơi xóm làng xơ xác tiêu điều, nhất là ở những nơi nghề thủ công bị đình đốn. Làng La Cả (huyện Hoài Đức) số người chết đói hơn 2.000/4.800 dân, có 147 gia đình chết không còn một ai. Làng La Khê (xã Yên Nghĩa, Hoài Đức) có 2.100 người thì 1.200 người chết đói, bằng 57% số dân".

Trong cuốn "Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Bình" xuất bản năm 1986 ghi: "Năm 1945, cả tỉnh có 280.000 người chết đói, chiếm 25% tổng dân số. Nhiều địa phương chết tới trên 50% dân số, như: xã Tây Lương: 67%; Sơn Thọ, Thụy Anh (Thái Thụy): 79%; xã Thanh Nê (Kiến Xương) có 4.164 người thì chết gần 2.000 người; xã Tây Ninh (Tiền Hải) có 171 gia đình chết không còn một ai...".

Trong cuốn "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử" của GS Văn Tạo thống kê: "Riêng tỉnh Thái Bình, nơi nạn đói diễn ra trầm trọng nhất, đã được Ban lịch sử tỉnh điều tra, con số tương đối sát thực tế là cả tỉnh chết đói mất 280.000 người. Chỉ tính số người chết đói ở Thái Bình cùng với Nam Định hơn 210.000 người, Ninh Bình 38.000, Hà Nam chết 50.000 thì số người chết đói đã lên đến hơn 580.000. Như vậy, con số 2 triệu người Việt Nam chết đói trong 32 tỉnh cũ tính từ Quảng Trị trở ra và hai thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng là gần với sự thực".

sach

 

2 be

4. Sự ly tán

“Không chỉ làm số lượng lớn người chết đói, nạn đói còn khiến hàng trăm ngàn người phải rời bỏ quê hương, ly tán khắp nơi, nhiều người không còn quay về quê quán. Nhiều gia đình, dòng họ bị tan vỡ sau nạn đói này, không thể tìm lại được người thân thích. Tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân viết về thời kỳ xảy ra nạn đói năm 1945 đã mô tả rõ nét tình cảnh này.”

“Nạn đói xảy ra có khá nhiều người bỏ quê hương ra đi, khi chết đói trở thành những xác vô danh. Do điều kiện chôn cất xác người đói sơ sài vội vàng thiếu quy hoạch và đánh dấu nên đến nay tại miền Bắc một số nơi khi khởi công các công trình vô ý khai quật những ngôi mộ tập thể được cho là mộ của những người chết đói năm 1945.”

Ông Phạm Anh Tuấn (sinh 1961) – chi 1 cho biết: “Ở chi 1 có 3 mẹ con, cụ Lương Thị Sáu (đời thứ 8) và 2 con của cụ là Phạm Thị Trúc và Phạm Văn Mọc, đều chết đói tại thôn Lai Xá ngày 15 – 2 ÂL (năm 1945), mộ 3 mẹ con cụ, trước đây nằm liền nhau ở xứ đồng Mã Cả, nay đã chuyển về nghĩa trang của thôn. Cụ Phạm Văn Quỳnh (đời thứ 7) có người con trai thứ 3 đi phu ở đồn điền cao su và mất liên lạc tới nay.”

5. Pháp xây Bốt và Lô cốt ở làng Lai Xá

Cụ Phạm Văn Năm (sinh 1932) – chi 6 cho biết:

“Khi Pháp về làng Lai Xá năm 1947, chúng xây Bốt chặn cửa Tam quan - cửa Đình Quán (nay là Quán), và 2 Lô cốt tròn xung quanh Đình Quán, 1 lô cốt tròn ở giữa Đình Quán và đường cái đá (đường QL 11A, QL 32 nay là đường Vạn Xuân), sát hồ Sau Lái, 1 Lô cốt ở sau Đình Quán. Bốt và các Lô cốt được nối với nhau bởi hệ thống giao thông hào. Bốt Lai Xá nằm trong hệ thống kết nối bốt Phùng và bốt Giá để chúng cai quản khu vực.

dinh quan

 

truoc

Xung quanh khu vực Bốt và Lô cốt, chúng thiết lập một hàng rào bằng tre, dây thép gai và gỗ xẻ ra từ những cây Châm lấy về từ Chùa Sai. Khu vực chúng rào từ khu cuối phố Lai (bên phải theo hướng Hà Nội đi Sơn Tây) lên đến đầu phố Lai (lối rẽ vào doanh trại quân đội) vòng về toàn bộ khu hồ Dộc về tới cổng Tây vào giữa xóm 1 (khu vực “Gốc vối” trước đây) ngoặt ra giữa phố Lai tới đất của cụ Chánh Lượng. Chúng sử dụng các nhà gác, nhà gạch trong khu vực chúng rào để làm nơi gia binh, để các Lý Dịch (Chánh, phó lý) ở trong vùng ở, ngủ đêm vì du kích / Việt Minh ở các làng truy bắt các Lý Dịch.

Pháp dỡ các nhà tranh (nhà lợp bằng rơm, dạ) ở khu Sau Lái, nhà ngói (nhà cụ Quỹ Bình) chúng bớt lại và xây lên để làm nơi nhốt du kích khi chúng bắt được. Chúng cho dựng các cổng đồn / bốt để bảo vệ khu Bốt và Lô cốt, kiểm soát người ra vào. Pháp cho dựng 1 cổng đồn ở khu vực gần nhà cụ Chánh Lượng. Tại cổng đồn này, chúng cho treo 1 chiếc trống, khi lính Pháp về làng cần việc gì thì đánh trống, Chánh, phó lý ra để đón và trao đổi công việc.

Khu vực bên ngoài hàng rào, Pháp cho đốt hết các nhà tranh để giữ an toàn cho hàng rào và bảo vệ Bốt. Nhà cụ Phạm Văn Liên (cụ Dậu, bố tôi) bị chúng bắn cho cháy.

Khi Pháp về, chúng cho lính và tay sai chỉ điểm đi bắt các du kích hoạt động cách mạng. Chúng bắn chết một số du kích của làng. Người họ Phạm mà chúng bắt và giết có cụ Phạm Văn Thích (năm 1947) – chi 3, cụ Phạm Như Giáp (năm 1949) – chi 2, cụ Phạm Như Xuất (năm 1952) – chi 2. Phụ nữ mà có chỉ điểm khai báo chúng cũng bắt.

Đồng thời với việc chúng bắt và giết, chúng phá nhà của các du kích bị bắt để lấy gạch xây Bốt. 

Năm 1952, Lý Dịch của làng đề nghị Pháp cho phép làng tổ chức hội làng, mở cổng đi qua Bốt ra tới đường cái đá (đường Hà Nội – Sơn Tây) để tổ chức lễ hội. Đêm hôm tổ chức Hội làng xong, quân Pháp cho bao vây quanh làng để hôm sau bắt du kích, thanh niên. Sáng hôm sau chúng bất ngờ khi không thấy thanh niên ở làng vì lễ hội xong, thanh niên đã tỏa đi các nơi hết. Năm 1954 Pháp mới rút khỏi Lai Xá và rút dần về nội thành Hà Nội.”

le

 

lo

Trước khi Pháp về Lai Xá năm 1947, đa số dân làng Lai Xá sống bằng nghề nông, người không làm nghề nông thì đi làm hoặc học việc ở Hà Nội và các nơi. Khi Pháp về Lai Xá, chúng bắt một số thợ ảnh của làng chụp ảnh để làm “giấy thông hành” cho dân phục vụ quản lý của chúng. Khi đó, một số thợ ảnh của làng, trong đó có thợ là người họ Phạm tản đi để mở hiệu ảnh ở các nơi.

Nói về tục lệ của làng, cụ Phạm Văn Năm cho biết: “Xa xưa tục lệ của làng là mỗi người con gái đi xuất giá (lấy chồng) phải đóng tiền “cheo” để xây vài trượng / vài mét đường làng. Đường vào các ngõ thì dân của ngõ xóm tự xây. Trước khi Pháp về làng, đường làng đã được xây bằng gạch từ cổng Đông vào cổng Tây ra đến đường Hà Nội – Sơn Tây, đoạn từ đường cái đá vào khu nhà cụ Lợi, cụ Tổng dọc theo kênh đến cổng Đông, đang xây lát đến nhà cụ Lợi thì dừng lại vì không có kinh phí.”

Cụ Phạm Văn Sang (sinh 1947) - chi 3 cho biết: “Bố nuôi tôi là cụ Nguyễn Văn Tỉnh (cụ Thái). Trong thời gian vào những năm 1920, cụ có cấy một số ruộng của đình, chùa. Hàng năm theo quy định cụ phải trích nộp một số thóc để xây dựng đường gạch của làng”

gach

Khi đó có mấy câu ca dao – tục ngữ:

“Nuôi lợn thì phải vớt bèo

Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng”

“Cưới vợ không cheo như tiền gieo xuống suối”

“Ông xã đánh trống thình thình

Quan viên mũ áo ra đình ăn cheo”

“Lấy chồng anh sẽ giúp cho

Giúp em …..

Giúp em quan tám tiền cheo

Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau”

Trước năm 2008 hệ thống đường gạch trục làng từ cổng Đông đến cổng Tây một số đoạn có rãnh thoát nước ở bên lề đường. Năm 2008 thôn xây rãnh thoát nước ở giữa đường trục này và đổ bê tông từ cổng Đông (bớt lại khu cửa Đình Đụn vẫn là đường gạch) tới cổng Tây ra đường 32. Năm 2018 thôn rải nhựa đường trục của làng từ cổng Đông vào cổng Tây ra đường Vạn Xuân (trước là đường 32). Đường trục của làng được rải nhựa rộng và khang trang hơn trước đây.

b

 

a