ĐÔI NÉT VỀ LÀNG LAI XÁ 

Làng Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội là một vùng quê thanh bình, nằm trên vùng đất thuộc lưu vực sông Hồng và sông Đáy. Làng đã hình thành và phát triển cùng với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc hàng ngàn năm. Các thế hệ người dân Lai Xá cần cù lao động và sáng tạo, xây dựng làng xóm trù phú. Xa xưa, người dân sống dựa vào nghề thuần nông, canh tác lúa hai vụ và vụ màu. Một số người làm nghề dệt vải.

Làng Lai Xá nằm ở km 15 đường Vạn Xuân  (quốc lộ 32 cũ), tạo nên phố Lai Xá đông đúc và phát triển. Vị trí ven quốc lộ đã giúp cho dân làng đi lại thuận tiện và phát triển kinh tế.

Trong cuốn Gia phả của gia đình cụ Phạm Văn Đào (chi 5), cụ thống kê tên làng Lai Xá đã thay đổi qua thời gian: “Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, làng Lai Xá, tổng Kim Thìa, thuộc phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, sau này sáp nhập vào huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, làng này đổi tên qua các giai đoạn lịch sử:

  • Minh Đức (Lai Xá + Tu Hoàng), huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông.
  • Kim Hoàng (Lai Xá + Di Trạch), huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông.
  • Kim Chung (Lai Xá + Đại Tự + Yên Vĩnh + Yên Bệ), huyện Liên Bắc, tỉnh Hà Đông. 
  • Kim Chung (Lai Xá + Đại Tự + Yên Vĩnh + Yên Bệ), huyện Đan Hoài, tỉnh Hà Đông.
  • Kim Chung (Lai Xá + Đại Tự + Yên Vĩnh + Yên Bệ), huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (Hà Đông + Sơn Tây).
  • Kim Chung (Lai Xá + Đại Tự + Yên Vĩnh + Yên Bệ), huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Sơn Bình (Hà Tây + Hòa Bình).
  • Kim Chung (Lai Xá + Đại Tự + Yên Vĩnh + Yên Bệ), huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.
  • Kim Chung (Lai Xá + Đại Tự + Yên Vĩnh + Yên Bệ), huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây.”

Từ năm 1991, Kim Chung (Lai Xá + Đại Tự + Yên Vĩnh + Yên Bệ), huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.

 Làng Lai Xá gồm 5 xóm và xóm phố (phố Lai Xá). Cổng Đông nối với cổng Tây tạo nên trục đường chính của làng từ xa xưa, nay đã được rải nhựa. Từ thuở hình thành, con người thập phương tề tựu nơi đây và sinh cơ lập nghiệp. Làng Lai Xá có: 1 họ Phạm, 1 họ Phí, 3 họ Đinh, 1 họ Lương, 2 họ Lê, 1 họ Phan, 5 họ Nguyễn, 1 họ Đỗ, 3 họ Lưu và 1 họ Hồ. các dòng họ lớn đều có nhà thờ họ. Diện tích tự nhiên của làng khoảng 175 héc ta với số hộ dân 2.027, số nhân khẩu là 6.753. Hiện nay (2022) trong làng có 193 nhà trọ cho thuê với số sinh viên, học sinh, người lao động khoảng 1600.

Cổng đông

Mảnh  đất Lai Xá gắn liền với khu Di chỉ Vườn Chuối là bằng chứng của sự văn minh và phát triển cách đây hàng ngàn năm. Từ năm 1969 đến nay khu di chỉ Vườn chuối đã được khai quật 8 lần. Đặc biệt đợt khai quật năm 2019, đã tìm được hàng ngàn hiện vật bằng gỗ, gốm, sắt và đồng.

Theo truyền lại, khi Trần Liễu về đóng đồn ở Lai Xá (đầu thế kỷ XIII), dân làng đang gặp nạn dịch bệnh và nạn đói. Người đã giáo hóa dân làng, cầu kinh niệm phật phát thuốc men, tiền bạc cứu giúp dân làng. Biết ơn Ngài, dân làng đã dựng miếu (Đình) và suy tôn ông là Thành hoàng làng. Hàng năm, ngày 15-2 ÂL dân làng tổ chức tế lễ để đền đáp công ơn của Người.

Đình, chùa Lai Xá đều được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử từ năm 1990.

Chùa

 

Đình

 

Làng Lai Xá còn được biết đến là làng nghề Nhiếp ảnh duy nhất ở Việt Nam. Nhiều nghệ nhân của làng đã tới mọi miền của tổ quốc, mở hiệu ảnh từ những năm 1920. Cụ Nguyễn Đình Khánh được suy tôn là ông Tổ của làng nghề. Năm 2003, tỉnh Hà Tây đã công nhận làng Lai Xá là làng nghề truyền thống Nhiếp ảnh duy nhất của Việt Nam. Lai Xá đã xây bảo tang Nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh để lưu giữ các hiện vật và luôn nhớ đến ông tổ của nghề.

Nói đến ngành giáo dục Việt Nam, ai cũng nhớ đến cố bộ trưởng giáo dục Nguyễn Văn Huyên – người con của làng Lai Xá. Từ cách mạng tháng 8 thành công năm 1945, ông được cử giữ chức Tổng Giám đốc Đại học vụ kiêm Giám đốc Viễn Đông Bác Cổ. Từ tháng 11 năm 1946, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Giáo dục và ông giữ chức này trong 29 năm cho đến khi ông qua đời tháng 10 năm 1975. Để lưu giữ những công trình nghiên cứu khoa học của ông và những hiện vật gắn liền với đời sống của ông lúc đương thời, “Bảo tang gia đình” đã được xây dựng - “Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên”. Du khách trong nước và nước ngoài có thể đến thăm quan, nghiên cứu và học tập.

bt

 

 

Lai Xá còn tự hào về những người con, những nhà khoa học nổi tiếng thế giới như: giáo sư, tiến sỹ, nhà thiên văn học Nguyễn Quang Riệu, giáo sư, tiến sỹ ngành vật lý Nguyễn Quý Đạo, giáo sư, tiến sỹ ngành y Nguyễn Quang Quyền, nghệ sỹ nhân dân Bạch Diệp. Tên tuổi của những danh nhân luôn gắn liền với tâm thức của mỗi người dân Lai Xá.

Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và các cuộc chiến tranh biên giới, người dân Lai Xá luôn thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” và đã tiễn đưa hàng ngàn thanh niên nhập ngũ. Trong số đó 72 các anh không trở về. Tên tuổi và bia mộ các anh được nhà nước và quê hương lưu danh tại Nghĩa trang liệt sỹ và nhà bia liệt sỹ của thôn. Nhiều bà mẹ đã được phong tặng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”

Nghĩa trang liệt sỹ

 

Nhà bia liệt sỹ

 

Từ năm 2008, thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Đảng, phần lớn đất nông nghiệp thôn Lai Xá đã được thu hồi phục vụ cho các dự án:

  • Công ty bánh kẹo Thăng Long
  • Cụm công nghiệp Lai Xá
  • Khu nhà liền kề tái định cư
  • Dự án Nguyên Ngọc Phương Bắc
  • Khu dịch vụ cụm công nghiệp
  • Khu dịch vụ đô thị
  • Dự án quốc lộ 32 mở rộng
  • Dự án trường mầm non Kim Chung
  • Khu đất đấu giá
  • Trường tiểu học Kim Chung B
Cổng đô thị

 

Do diện tích đất nông nghiệp không còn, người dân Lai Xá phải chuyển đổi sang làm các dịch vụ và phát triển ngành nghề. Sau hơn chục năm chuyển đổi, nay cuộc sống người dân cơ bản đã quen với mô hình cuộc sống và mô hình làng quê mới.

Nhà thơ Trúc Luân có viết:

“Ai về Lai Xá quê tôi

Mà xem phong cảnh con người nơi đây

Thẳng đường Hà Nội – Sơn Tây

Hai bên dãy phố trưng bày bán mua

Có đền, có miếu có chùa

Thành Hoàng Trần Liễu một thiên sử vàng

Truyền thống lịch sử huy hoàng

Bộ trưởng Giáo dục tiếng vang mọi miền

Là tiến sỹ Nguyễn Văn Huyên

Xây nền giáo dục đầu tiên Cộng hòa

Nghệ nhân Khánh Ký tài hoa

Công lao đức độ tỏa ra sáng ngời

Trải qua năm tháng cuộc đời

Truyền nghề Nhiếp ảnh cho người quê hương

Giúp dân mở rộng thị trường

Nông thôn, thành thị bốn phương hành nghề

Bây giờ đẹp cảnh làng quê

Xứng danh Lai Xá làng nghề vẻ vang

Cùng nhau viết tiếp sử vàng

Truyền thống Lai Xá vinh quang đời đời”

Bài viết chỉ sơ lược vài nét về làng Lai Xá xưa và nay. Quý vị có thể tìm hiểu thêm về quê hương Lai Xá qua những đường Link sau:

Làng Lai XáĐình Lai Xá – Chùa Lai Xá – Làng Nhiếp ảnh Lai Xá – Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên

Lai Xá ngày 12 tháng 6 năm 2022

                      BKT