Các hoạt động chính của dòng họ từ những năm 1920

1. Tấm lòng hướng về Tiên tổ

Dòng họ được hình thành từ lâu, nhà thờ họ đã được xây từ xa xưa. Đây là nơi đi về của các bậc tiền nhân, cũng là nơi con cháu ngày giỗ, tết về tụ họp để dâng lên Tiên Tổ hương hoa, oản quả, lễ vật để tưởng nhớ công ơn sinh thành.

Từ năm Cảnh Hưng 29 (1768), trong Gia phả chữ Nho (bản dịch ở file ảnh bên trên) các cụ đã ghi lại các ngày giỗ của các cụ từ đời thứ 1 đến đời thứ 3 để con cháu hậu duệ nhớ và thực hiện. Các cụ cũng để lại các bài văn khấn nhân dịp lễ tiết trong năm. Các cụ đã để lại Hương Ước - những điều lệ, nghị định để các thế hệ hậu duệ duy trì và thực hiện (Phần 2). Các điều này dòng họ đã, đang duy trì và thực hiện. Điều này có ý nghĩa giáo dục to lớn. Duy trì các ngày giỗ Tổ, thực hiện Hương Ước, các điều lệ, nghị định chính là giáo dục con cháu biết ơn công ơn sinh thành của các bậc tiền nhân. Con cháu biết vâng lời, hiếu thảo, rèn luyện đức tính và tình người với nhau trong nội tộc cũng như ngoài xã hội.

Ban khánh tiết nhận thấy việc trông nom, xây dựng các ngôi mộ Tổ, các lần sửa chữa và xây lại nhà thờ đều được đông đảo các thành viên của dòng họ đồng thuận và ủng hộ cao về tinh thần và vật chất. Từ năm 1920 trở về năm 1768 và trước nữa, rất tiếc là các hoạt động cụ thể của dòng họ không được lưu lại trong Gia phả. Từ năm 1920 đến 1954 là thời gian Pháp và Nhật đô hộ. Chắc cuộc sống của các cụ thuộc các đời thứ 6, 7, 8 rất khó khăn trong bối cảnh xã hội của thời gian này. Ngày 17 tháng 11 năm Quý Tỵ ( năm 1953 – bản dịch từ chữ Nho trang 20) mới thấy các cụ ghi lại danh sách đóng tiền theo xuất đinh ở các chi, chắc là để xây cổng nhà thờ và làm lễ (cổng nhà thờ xây năm 1954 nhưng đến năm 1980 mới lắp cánh cổng).

a - Sự hảo tâm gây quỹ tiết kiệm

Năm 1987, xét thấy nếu dòng họ có một số tiền gửi tiết kiệm và lấy lãi để mua sắm các vật dụng cho dòng họ thì tốt, cụ Phạm Văn Điển (trưởng ban Tổ chức) phát động phong trào tự nguyện đóng góp để xây dựng quỹ tiết kiệm. Chủ trương đã nhận được sự ủng hộ của nhiều cụ, ông bà trong họ. Có 62 cá nhân ủng hộ được 6.600 đ (sáu ngàn sáu trăm đồng). Năm 1988 có 41 cá nhân ủng hộ được 8.500 đ (tám ngàn năm trăm đồng). Tiền lãi rút về năm 1989 mua được một số bát loa tàu, bát con, đĩa, đũa, chén, may 1 màn thờ bằng vải xoa đỏ. Sau năm 1989, tiền gốc, lãi nhập quỹ để tiếp tục gửi ngân hàng để chi tiêu cho những năm sau. Cũng từ đó đến nay (2022), dù nhiều hay ít, quỹ của dòng họ được gửi ngân hàng, lấy lãi và rút để sử dụng khi cần.

b - Sự hảo tâm công đức nhân ngày giỗ Tổ 1 – 3 ÂL hàng năm

Từ năm 1991 trở đi nhiều các cụ, ông bà về ăn giỗ có công đức vào nhà thờ: Năm 1991: 200.000 đ. Năm 1992: 61.000 đ. Năm 1993: 279.500 đ. Năm 1994: 280.600 đ. Năm 1995: 410.000 đ. Năm 1996: 285.000 đ. Năm 1999: 1.162.000 đ. Năm 2002: 1.705.000 đ. Năm 2003: 1.745.000 đ. Năm 2004: 2.140.500 đ. Năm 2005: 2.460.000 đ. Năm 2006: 2.950.000 đ. Năm 2007: 4.120.000đ. Năm 2008: 7.640.000 đ. Năm 2009: 5.420.000 đ. Năm 2010: 11.650.000 đ. Năm 2011: 15.820.000 đ. Năm 2012: 19.840.000 đ. Năm 2013: 11.410.000 đ. Năm 2014: 10.850.000 đ. Năm 2015: 16.250.000 đ. Năm 2016: 11.450.000 đ. Năm 2017: 11.180.000 đ. Năm 2018: 16.300.000 đ. Năm 2019: 24.600.000 đ. Năm 2021: 43.150.000 đ.

Tiền công đức này ban khánh tiết chi mua hương hoa, oản quả và lễ vật và thay mặt cho toàn thể con cháu nội ngoại xa gần dâng lên Tổ tiên những dịp giỗ Tổ trong năm, để tưởng nhớ công ơn sinh thành ra đời đời các thế hệ con cháu của dòng họ. Ngoài ra có thể chi vào những việc sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm vật dụng cho nhà thờ.

c - Sự đóng góp và hảo tâm công đức xây mộ Tổ

Xây mộ Cụ Tổ ông năm 1987: đường kính 1,5 m cao 60 cm. Thu mỗi giai đinh 2đ (hai đồng). Chi 1: 24 xuất, chi 2: 244 xuất, chi 3: 8 xuất, chi 4: 20 xuất, chi 5: 58 xuất, chi 6: 84 xuất. Tổng số đinh thu được là 418 = 836 đ. Tiền công đức: 481 đ

Xây mộ Cụ Tổ bà năm 1993. Tổng xuất đinh thu được: 420 xuất, mỗi xuất 1.500đ = 630.000đ. Tiền công đức: 619.000đ.

Xây mộ Cụ Đệ Tam (cụ ông) năm 1993. Thu mỗi giai đinh 1.500đ. Chi 1: 29 xuất, chi 2: 174 xuất, chi 3: 10 xuất, chi 4: 24 xuất, chi 5: 73 xuất, chi 6: 94 xuất. Tổng xuất đinh thu được: 404 = 606.000đ. Tiền công đức: 279.500đ.

Xây lại mộ Cụ Tổ ông ngày 2 - 12 - 2002, thu mỗi xuất đinh 3.000đ.

Tu sửa mộ Cụ Tổ ông năm 2007. Công đức: 9.290.000 đ

Tu sửa mộ Cụ Tổ ông ngày 21 – 12 – 2010 (16 – 11 năm Canh Dần)

Xây mộ Cụ Tổ ông năm 2012: Đổ rầm bê tông ở phần trên mộ của cụ để làm mộ đá đặt lên. Mộ cụ làm bằng đá xanh Thanh Hóa, đá liền khối. Thu xuất đinh: chi 1: 37, chi 2: 265, chi 3: 16, chi 4: 29, chi 5: 81, chi 6: 165. Tiền đinh: 118.600.000 đ. Tiền làm mộ bằng đá: 190.000.000đ

Xây bao quanh mộ Cụ Tổ bà ngày 3 - 11 năm Giáp Ngọ (24 - 12 - 2014). Xây hết 18.800.000đ.

Tìm và chuyển mộ hai Cụ Tổ đời thứ 2 ngày 23 và 26 - 11 - 2016.

Xây mộ Cụ Đệ Tam (cụ bà) ngày 22 - 11 - 2019.

Xây mộ Cụ Tổ ở Đình Lỗ tròn, mộ Cụ Tổ ở Cối Mèn trong, mộ Cụ Tổ ở gò Cánh gà ngày 22 - 10 năm Bính Tuất (12 - 12 - 2006). Thu tiền đinh 10.000đ một xuất.

Di chuyển mộ Cụ Tổ ở Mã Cả ngoài (khu đô thị Nguyên Ngọc) về nghĩa trang năm 2008

Di chuyển hai ngôi mộ Cụ Tổ (song táng) ở Mã Cả trong, một ngôi mộ Cụ Tổ ở Cầu Mưỡu về nghĩa trang năm 2011.

d – Sự đóng góp và hảo tâm công đức xây dựng nhà thờ

Nhà thờ họ Phạm thôn Lai Xá đã tồn tại từ rất lâu. Không ai nhớ nhà thờ được xây từ bao giờ. Qua năm tháng, thời gian, với sự tác động của thời tiết, nhà thờ đã xuống cấp, đã được sửa chữa và xây lại nhiều lần. Nhà thờ đầu tiên được xây bằng gạch Bìa, lợp ngói Hưng Ký. Quá giang bằng gỗ Lim, nóc, xà và hoành bằng gỗ Lim, Trai và Chò Chỉ. Sân nhà thờ lát bằng gạch bìa. Các lần sửa chữa và xây lại, nhà thờ đều được xây trên nền móng cũ, giữ nguyên kích thước. Hiện nay (2022) tính từ mặt nền xuống hàng gạch móng các cụ xây đầu tiên là 2,00 m.

Sửa chữa nhà thờ năm 1977. Tiền đóng xuất đinh trong họ mỗi xuất 1đ (1 đồng). Chi 1: 25 xuất, chi 2: 110 xuất, chi 3: 5 xuất, chi 4: 19 xuất, chi 5: 20 xuất, chi 6: 88 xuất, tổng: 267 xuất = 267đ. Lần này do một số xà và hoành bị hỏng, đã thay toàn bộ hoành bằng tre. Tường nhà thờ xây bằng gạch Bìa và ngói lợp Hưng Ký được giữ nguyên.

Sửa nhà thờ năm 1980. Khởi công ngày 1 - 3 Canh Thân (1980) đến 23 - 8 - Tân Dậu (1981) thì xong. Đóng tiền xuất đinh trong họ mỗi xuất 2đ (hai đồng). Chi 1: 23 xuất, chi 2: 192 xuất, chi 3: 7 xuất, chi 4: 26 xuất, chi 5: 44 xuất, chi 6: 70 xuất, tổng 352 xuất = 704 đ. Tiền công đức là: 43 đ.

Năm 1994 xây lại bàn thờ gian giữa, mua bức ghé, xà hết 504.500đ.

Năm 1996 xây tường bao nhà thờ và lát lại sân bằng gạch lục.

Năm 1998 đại tu nhà thờ, gia đình cụ Phạm Văn Xuyến và cụ Đỗ Thị Đôi (chi 1) công đức 7 cây vàng. Các cá nhân công đức: 8.690.000 đ

Ngày 17 - 2 - 2002 xây tường hoa ở cổng, từ cổng ra đến đường xóm.

Năm 2004 làm câu đối làm bằng gốm sứ ở cổng, các cột hiên, cửa đảng và cột đồng trụ (một số cá nhân và gia đình công đức).

Ngày 15 - 12 Kỷ Sửu (29 - 1 - 2010) lát lại sân nhà thờ từ gạch lục chuyển sang gạch Giếng đáy. Gạch không trơn, không rêu, kích thước 40x40 cm. Chi hết 37.510.000đ.

Ngày 7 - 3 Kỷ Hợi (11 - 4 - 2019) khởi công xây lại nhà thờ. Mỗi xuất đinh đóng 500.000 đ, thu từ năm 2014 đến 2019. Chi 1: 38 xuất, chi 2: 355 xuất, chi 3: 21 xuất, chi 4: 32 xuất, chi 5: 85 xuất, chi 6: 235 xuất. Tổng tiền thu xuất đinh: 319.350.000 đ (có danh sách từng xuất đinh đóng từng năm ở phần công đức hàng năm). Con cháu nội ngoại công đức: chi 1: 176.600.000 đ. chi 2: 202.400.000 đ. chi 3: 20.000.000 đ. chi 4: 27.000.000 đ, chi 5: 11.700.000 đ, chi 6: 105.500.000 đ. Thợ xây, bán vật liệu, thợ làm giả đá, thợ lợp ngói công đức: 2.100.000 đ. Tổng tiền công đức: 545.300.000 đ (có danh sách từng cá nhân và gia đình công đức kèm theo ở mục “Công đức hàng năm”).

(Sự đóng góp và công đức của toàn thể quý vị nội ngoại của dòng họ còn lưu trong sổ vàng công đức, sổ thư ký của dòng họ. Vì danh sách nhiều lần đóng góp và công đức, nhiều cá nhân công đức, nên ban khánh tiết không thống kê được tên đầy đủ ở đây. Mong quý vị đồng cảm!)

2. Gia phả và Phả hệ

Ông Tuấn cho biết: “Gia phả của dòng họ từ trước tới năm 1953 ghi bằng chữ Nho. Trong Gia phả dịch từ chữ Nho sang Tiếng Việt, ngày 13 tháng 12 năm Cảnh Hưng 29 (1768) các cụ đã ghi danh sách các ngày giỗ của các Cụ Tổ (đời thứ 1, 2 và 3), một số “nghị định”, “lệ” (nội dung ở các ảnh ở Phần 2). Năm “Bảo Đại tam niên” (1927) ghi danh sách các xuất đinh. Từ năm 1970 tới nay, các hoạt động của dòng họ ghi bằng Tiếng Việt. Năm 1996, tôi và ông Phạm Văn Sơn (trưởng chi 6) đi thống kê thông tin của các gia đình và bắt đầu làm Phả hệ. Phả hệ được bổ sung thông tin liên tục tới nay (2022) và tiếp tục bổ sung về sau (nội dung quý vị xem thêm ở phần “Phả hệ”).

Một số thiếu sót trong ghi chép Gia phả của nhiều gia đình

Ông Tuấn cho biết: “Năm 1996 khi tới các gia đình lấy thông tin đưa vào Phả hệ, tôi thấy trong toàn họ chỉ có Gia phả của cụ Phạm Văn Đào và cụ Phạm Văn Phượng (chi 5) là ghi khá đầy đủ, chi tiết. Các gia đình còn lại, có quyển Gia phả ghi bằng chữ Nho, có quyển ghi bằng Tiếng Việt, chủ yếu chỉ ghi ngày, tháng giỗ của các cụ (không ghi năm), không ghi mối liên hệ cụ nào đời trước cụ nào đời sau. Lúc ghi thì các cụ tự hiểu nhưng thế hệ sau xem thì không hiểu.

Một số các cụ, các ông bà trong dòng họ hiện hay không hiểu được ông bà, cụ, kỵ mình lúc đương thời (thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và vào những năm từ 1920 tới 1960) sinh sống ra sao, những biến cố thuận lợi, khó khăn thế nào đáng để con cháu trong gia đình mình học tập noi theo (vì Gia phả của gia đình không được ghi chép lại, có thể các cụ đời trước có kể lại nhưng nghe lâu ngày xong cũng quên).

Một số cụ, ông bà đang sống ở xa quê không nắm được rõ cụ, ông bà mình ra đi từ làng Lai Xá năm nào, lúc đó làm nghề gì, cuộc sống mưu sinh ra sao .....

Đặc biệt hiện nay có ông, bà đang sống xa quê chỉ biết mình là người họ Phạm Lai Xá, không rõ chi nào, ngành nào.

Một số khiếm khuyết trên, theo tôi là do trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ có nhiều khó khăn về kinh tế, văn hóa, học vấn, phương tiện ...... và cả sự chưa thực sự chú ý lưu tâm của một số gia đình trong việc truyền lại cho con cháu (bằng văn bản) Phả hệ, ngôi thứ, trên dưới của các cụ trong gia đình mình, những biến cố, thành công ...... “

Cụ Phạm Văn Sang - trưởng ban khánh tiết, đang là quản trang của thôn, cho biết: “Thi thoảng có mấy anh về nghĩa trang thôn Lai Xá thăm mộ các cụ, cho biết là người họ Phạm, nhưng không biết gia đình mình ở chi thứ mấy, .......”         

Ông Tuấn cũng bày tỏ mong muốn với cả dòng họ:

“Hiện nay cuộc sống không khó khăn như trước, nhiều phương tiện thuận lợi cho việc ghi chép các thông tin. Gia đình nào đã ghi lại được Gia phả của gia đình mình - Phả hệ và các truyền thống của gia đình - để lại cho con cháu sau này hiểu được thì rất tốt.

Tôi mong trong dòng họ các cụ, các ông bà ở độ tuổi 50 trở lên (đối với các gia đình mới chỉ ghi ngày giỗ của các cụ để làm giỗ), bằng sự hiểu biết về các thế hệ trước và trí nhớ của mình, hãy để lại những lưu bút về truyền thống vâ những nề nếp của gia đình (từ đời thứ 8, 9 tới nay), ngành, và bản chi của mình cho hậu thế về sau hiểu được và tự hào về những truyền thống của gia đình mình. Nếu quý vị chỉ “kể” lại cho 1-2 người trong gia đình biết và người được nghe lại không truyền lại cho tất cả những người khác biết thì thông tin đó các con cháu trong gia đình cũng không biết hết được và rồi sẽ mai một đi ở các thế hệ sau.

Các ông, bà và các cháu (đời thứ 11, 12) hãy chủ động hỏi các bậc cao niên trong gia đình và ghi chép lại những gì có thể, để các cháu các đời sau hiểu được và tự hào về gia đình mình. Nếu sau năm 1996 tới nay (2022), gia đình nào trong họ mà ghi chép được Phả hệ riêng và các thông tin riêng về gia đình mình (mà có thể cho tôi biết được) thì cho tôi xin (bản photo) để tôi bổ sung vào “kho” Gia phả của dòng họ.

Bản thân tôi cũng rất tiếc là giá như từ những năm 70 của thế kỷ trước mà họ Phạm chúng ta lập được Phả hệ và ghi chép thêm được các thông tin về dòng họ thì thật tốt.

Kinh nghiệm từ gia đình tôi: Lúc còn trẻ thì tôi còn mải mê đi kiếm sống, không hỏi và ghi chép được những thông tin về kỵ, cụ, ông, bà nội. Nay ông, bà nội và Thầy, U tôi đều mất cả rồi (ông nội tôi mất khi Thầy tôi mới lên 8 tuổi). Bà nội tôi sinh vào khoảng năm 1890 (là tôi tự suy diễn từ tuổi ông nội tôi), quê ở Vũ Thư, Thái Bình. Bây giờ muốn về thăm quê của bà, thăm người thân của bà thì không tìm được nữa vì mất hết thông tin liên lạc. Năm 1990 em con nhà cô tôi (em ruột Thầy tôi) sống ở TP Thái Bình đã về quê bà nội tôi để tìm người thân của bà nhưng không tìm được. Cũng có thể các cụ và các thế hệ người thân của bà nội tôi ở Vũ Thư đã chết đói năm 1945 cả rồi.”

3. Đối ngoại

Xa xưa các cụ trong dòng họ đã duy trì mối quan hệ với nơi xuất thân của cụ Thủy Tổ họ Phạm thôn Lai Xá là họ Phạm làng Bát Tràng. Thời gian chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, việc liên lạc với họ Phạm làng Bát Tràng bị gián đoạn. Qua quá trình tìm về cội nguồn và tìm hiểu các mối liên hệ, từ năm 2000 ban khánh tiết và các cụ trong họ thống nhất duy trì liên lạc, giao lưu và tiếp tục tìm hiểu về mối liên hệ giữa hai dòng họ, họ Phạm Lai Xá và họ Phạm Ngũ chi làng Bát Tràng.

Năm 2009, được sự giới thiệu của họ Phạm Ngũ chi làng Bát Tràng, họ Phạm Lai Xá biết được Cụ Tổ họ Phạm làng Địch Vỹ, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội cũng từ làng Bát Tràng lên lập nghiệp. Từ năm 2010 họ Phạm làng Lai Xá và họ Phạm làng Địch Vỹ cũng coi nhau là anh em họ hàng có cùng nguồn gốc xuất thân và duy trì mối quan hệ giao lưu. (quý vị xem thêm ở phần “Bát Tràng – nơi xuất thân của Cụ Thủy Tổ họ Phạm thôn Lai Xá”)

4. Khuyến học

Ban khuyến học của dòng họ được thành lập năm 2000 do cụ Phạm Đức Nhuận - chi 6 (sinh năm 1943 - tiến sỹ khoa học) làm trưởng ban. Hàng năm nhân ngày giỗ Cụ Tổ 1 – 3 ÂL, cụ Phạm Đức Nhuận thay mặt dòng họ tặng quà cho các cháu đỗ đại học trong năm để khích lệ tinh thần học tập của các cháu. Tâm tư, nguyện vọng của cụ Nhuận luôn muốn dòng họ quan tâm hơn nữa tới việc học hành của các con cháu. Cụ cũng mong muốn dòng họ quan tâm đặc biệt tới công tác giáo dục, tu dưỡng và rèn luyện của các thế hệ hậu duệ họ Phạm. Con cháu cùng nhau hòa mình vào dòng họ và xã hội, xây dựng tình đoàn kết thân ái giữa các thành viên trong các mô hình tổ chức, tập thể của dòng họ và xã hội để mỗi thành viên của họ Phạm có cuộc sống vững về kinh tế, chan hòa về tình cảm.

Các cá nhân đỗ đạt cao

Tiến sỹ Phạm Đức Nhuận - chi 6 – TS. Cơ học kỹ thuật, ngày sinh: 22 – 6 – 1943

 Tiến sỹ Phạm Đình Phong - chi 2 – TS. Khoa học máy tính, ngày sinh: 4 – 9 – 1976

Thạc sỹ Phạm Đình Vũ - chi 2 (con ông Phạm Đình Vượng) – ThS. Công nghệ thông tin, ngày sinh: 4 - 9 – 1976

Thạc sỹ Phạm Lê Hùng - chi 2 (con ông Phạm Văn Đông) – ThS. Kinh tế, ngày sinh: 21 – 1 – 1992

Thạc sỹ Phạm Li Vi - chi 1 (con ông Phạm Tiến Thành) – ThS. Kts Quy hoạch & Ths Kts Công trình (du học tại Pháp), ngày sinh: 31 - 12 – 1987

Thạc sỹ Phạm Thùy Dương – chi 1 (con ông Phạm Văn Lộc) – ThS. Kinh tế (khoa học – du học tại Hà Lan), ngày sinh: 20 – 6 – 1989)

(danh sách này còn tiếp tục cập nhật)

Thống kê đỗ đạt còn thiếu

Việc lưu danh các cá nhân của dòng họ đỗ đạt cao là để tôn vinh các cá nhân có cố gắng học hành, đỗ đạt. Đây cũng là sự đóng góp cho đất nước, quê hương. Sự đỗ đạt cao của các cá nhân cũng là niềm vinh dự của gia đình và dòng họ. Hiện nay dòng họ chưa nhận được đủ danh sách các cá nhân đỗ đạt từ Thạc sỹ trở lên của các gia đình, các chi và cả dòng họ. Ban khánh tiết đề nghị các ông bà trưởng chi, các gia đình và cá nhân tiếp tục gửi cho ban khánh tiết danh sách các cá nhân đỗ đạt cao.

Cống hiến cho đất nước, quê hương

Qua quá trình học tập và công tác, nhiều cá nhân đã cống hiến cho đất nước, quê hương ở nhiều lĩnh vực:

Từ xa xưa

Cụ Hiển Tổ Khảo, Phạm Quý Công, tự Ngọc Chất, hiệu Trung Chính, phủ quân. Trước kia vào triều Lê là Nho sinh đồ, giữ chức Nhiêu ấm ở Tú lâm cục, kiêm Tam lão.

Cụ Hiển Tổ Khảo, Phạm Quý Công, tự Đình Thu, hiệu Bình Thụy, phủ quân. Trước kia được ân ban làm Lão nhiêu Văn hội trưởng, kiêm tam lão Lão thượng.

Cụ Hiển Tổ Khảo Phạm Quý Công, tự Minh Đạt, hiệu Phúc Thành, phủ quân. Trước kia dự vào Hội Tư văn, kiêm Trùm trưởng của bản giáp.

Cụ Hiển Tổ Khảo, Phạm Quý Công, tự Pháp Quang, hiệu Huyền Uy, phủ quân. Trước kia là Trụ trì Phật pháp, chính thân nhận sắc Như Lai bảo ấn (tức ấn Như Lai), trải giữ các chức Lý trưởng, kiêm Trùm trưởng đăng Thượng thượng thọ của bản giáp.

Cụ Hiển Tổ Khảo, Phạm Quý Công, tự Tiến Ngọc, hiệu Phúc Nguyên, phủ quân. Trước kia làm Hương trung lương gia lệnh tộc đăng Tam lão Lão thượng.

Cụ Hiển Tổ Khảo, Phạm Quý Công, tự Văn Em, hiệuTừ Lương, phủ quân. Trước kia làm Dịch mục khán thủ, kiêm Trùm trưởng của bản giáp.

Cụ Hiển Tổ Khảo, Phạm Quý Công, tự Bình Dị, thụy Thanh Nhã tiên sinh. Trước kia là Giám sinh của trường Tiến Đức thuộc Quốc Tử Giám, làm Thứ lang Huyện thừa của huyện Trung Thuận.

Cụ Hiển Tổ Khảo, Phạm Quý Công, tự Phùng Thắng, hiệu Phúc Khang, phủ quân. Trước kia ở vào triều Lê, thi đỗ Sinh đồ, đăng Tam lão lão thượng, kiêm Hương giáp Trùm trưởng.

(các cụ có tên trên được ghi từ bản dịch từ chữ Nho sang Tiếng Việt năm 2022)

Từ năm 1950 tới nay

Cụ Phạm Đình Tài - chi 2 (1932 - 1989). Cụ là sinh viên những khóa học đầu tiên của trường Đại Học Y Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, cụ nhận công tác tại Viện Sốt Rét Ký Sinh Trùng, nay là Bệnh Viện Y Học Nhiệt Đới, vào thập kỷ 60 của thế kỷ 20, cụ đi du học ở Liên Xô. Sau khi du học trở về cụ tiếp tục công tác tại Viện Sốt Rét Ký Sinh Trùng và đi làm chuyên gia bệnh sốt rét ở Tây Phi, Campuchia. Cụ nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của nhà nước và của ngành.

Ông Phạm Đình Quán – chi 6 (19.3.1931 – 17.1.1988) là con của cụ Phạm Thạch và là người con thứ ba trong gia đình. Ông là Đảng viên đảng cộng sản Việt Nam. Khi hy sinh, ông tròn 40 năm tuổi Đảng. Ông giữ chức vụ Vụ trưởng ban Tổ chức trung ương. Năm 1987 – 1988 ông công tác tại ban Tổ chức trung ương và đi công tác tại Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào. Ông hy sinh tại Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào, hưởng thọ 57 tuổi. Ông được Đảng và Nhà nước phong tặng và công nhận liệt sỹ năm 1988. Ông được tặng thưởng Huân chương chống Pháp hạng ba, huân chương chống Mỹ hạng một và huân chương Hữu nghị do Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào trao tặng.

Cụ Phạm Văn Đào – chi 5 (1923 – 201…) chuyên viên Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam Trung Ương, nghỉ hưu năm 1997 (nguyên là ủy viên thường trực Ban liên lạc các cơ quan Trung ương của Chính phủ, kiêm ủy viên thường trực vụ Ban Cán sự Việt Minh Bộ Tài Chính).

Ông Phạm Văn Lân – chi 1 – công tác tại văn phòng Chính Phủ.

Ông Phạm Quảng Dương – chi 6 (sinh 1955) trước đây giám đốc công ty cầu 14, phó tổng giám đốc công ty xây dựng CenCo 1.

Ông Phạm Đình Tòng – chi 6 (1933 – 2015) bị bệnh cả 2 mắt từ lúc lên 3 tuổi nhưng ông đã rất cố gắng vươn lên và đã làm nhạc công cho đoàn xiếc Hải Dương từ 1964 đến 1970, là hội trưởng hội người mù huyện Hoài Đức từ 1978 đến 1982.

Anh Phạm Đức Tuấn Hùng – chi 6 (sinh năm 1958) phó trưởng phòng - trưởng phòng Hành chính, quản trị - phó giám đốc ban quản lý dự án tại Bệnh viện Hữu nghị (bệnh viện Hữu nghị Việt Xô) từ 1993 đến 2019.

Ông Phạm Văn Hòa - chi 6 (sinh năm 1957)  – chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp thôn Lai Xá từ 1987 đến tháng 6 năm 2001, chủ tịch Hội nông dân xã Kim Chung, ủy viên ban chấp hành Hội nông dân huyện Hoài Đức từ 2002 đến 2017, bí thư chi bộ thôn từ 1994 đến 2008.

Bà Phạm Thị Ngọc – chi 6 (sinh năm 1953) – là chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Lai Xá từ tháng 6 năm 2001 đến nay (2022).

Ông Phạm Thà  - chi 6 (1931 – 2020) là phó quay phim từ 1970 đến 2000 tại Hãng phim truyện Việt Nam số 4 Thụy Khê, Ba Đình, Hà Nội.

(danh sách này còn tiếp tục cập nhật)

5. Việc lập trang Web của dòng họ

Trước tình hình phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin từ đầu những năm 2000, việc đọc báo in ngày càng giảm dần. Đọc báo mạng ngày càng phổ biến. Một số dòng họ trong toàn quốc đã thay thế việc in Gia phả bằng việc lập trang Web để tiện cho các cá nhân trong dòng họ, đang sinh sống ở khắp nơi, tra cứu thông tin và tìm hiểu về dòng họ được nhanh hơn. Theo nguyện vọng của ban khánh tiết và nhiều con cháu của dòng họ, ngày 24 tháng 12 năm 2021 ban khánh tiết đã họp và nhất trí thành lập trang Web. Ngày 3 tháng 6 năm 2022, trang Web của họ Phạm Đại Tôn thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội chính thức được khai trương: hophamlaixa.vn hoặc hophamlaixa.com (một số bài viết trên trang Web được ghi ngày viết trước đó).

Ban khánh tiết hoan nghênh tinh thần của anh Phạm Đình Phong - Tiến sỹ khoa học máy tính (con ông Phạm Đình Vượng – chi 2) - đã công đức công sức thành lập trang Web cho dòng họ. Anh Phong tiếp tục giúp việc duy trì, chỉnh sửa để trang Web hoàn thiện hơn và duy trì, bảo dưỡng mãi về sau.

Ban quản trị trang Web

1. Cụ Phạm Đức Nhuận - chi 6 (sinh năm 1943 - phó giáo sư - tiến sỹ khoa học) 2. Ông Phạm Anh Tuấn - chi 1 (sinh năm 1961 - quyền trưởng nam) 3. Anh Phạm Đình Phong - chi 2 (sinh năm 1976 - tiến sỹ khoa học máy tính)

6. Việc chưa làm được

Ban khánh tiết cũng muốn nhắc lại một việc bấy lâu nay dòng họ muốn làm nhưng chưa làm được. Đó là việc thành lập Ban nhạc phục vụ tế lễ của dòng họ. Các lần tế Tổ dịp 1 - 3 ÂL các năm 1985, 1990, dòng họ nhờ Phường kèn cử nhạc tế. Ban khánh tiết thấy dòng họ nên thành lập Ban nhạc để phục vụ tế Tổ. Ngày 6 tháng 5 năm 1995, ban khánh tiết họp bàn và thành lập Ban nhạc gồm 07 thành viên. Trích quỹ họ mua: 1 kèn, 2 trống con, 1 thanh la, 1 nhị, 1 hồ và 1 sáo. Các dụng cụ trên nay (2022) đã hỏng, chỉ còn kèn và thanh la. Ban nhạc duy trì việc luyện tập được một số buổi, sau đó gặp một số khó khăn nên không luyện tập nữa. Từ năm 2000 đến nay mỗi khi tế Tổ ngày 1 - 3 ÂL, dòng họ nhờ Phường kèn giúp. Tế Tổ đêm giao thừa, Ban tế dùng băng ghi âm. Hy vọng vào một thời điểm thích hợp trong tương lai, dòng họ lại khởi động lại việc thành lập Ban nhạc tế Tổ.

7. Lời kết

Bài viết này Ban khánh tiết muốn lưu lại một số nét, một số thông tin về sự phát triển của dòng họ trong một thời gian dài. Mong các thế hệ về sau hiểu được phần nào sự phát triển của dòng họ trong bối cảnh xã hội qua các giai đoạn lịch sử từ năm 1920 đến 2020.

Mỗi chúng ta thấy tự hào khi thấy các thế hệ cha ông chúng ta đã sinh sống, vươn lên trong bối cảnh xã hội rất khó khăn về vật chất, tinh thần. Chúng ta, dù không chứng kiến, cũng có thể hình dung được cuộc sống của các thế hệ cha ông chúng ta trong bối cảnh xã hội từ năm 1920 đến 1954. Đây là giai đoạn người sinh sống tại địa phương, người học được nghề Nhiếp ảnh thì đi mưu sinh ở mọi miền tổ quốc, người thì đơn giản chỉ là đi kiếm sống ở miền đất mới.

Từ 1954 đến 1975 và những năm sau giải phóng miền Nam là giai đoạn cuộc sống toàn xã hội còn rất khó khăn. Từ năm 1986 và nhất là những năm 2000 trở lại đây, tình hình chính trị xã hội ổn định, tình hình kinh tế cả xã hội đi lên, vì thế cuộc sống kinh tế của mọi gia đình trong dòng họ cũng khá và ổn định hơn.

Mọi con cháu nội ngoại của dòng họ, dù ở quê hay đã và đang sinh sống nơi đất khách quê người, đều không quên quê hương Lai Xá – nơi cội nguồn của hết thảy chúng ta.

Dòng họ đã duy trì và phát triển, đã làm được khá nhiều việc trong cả một thời gian dài, ấy là nhờ ở tất cả sự hướng tới cội nguồn của các thế hệ con cháu nội ngoại của dòng họ.

Ban khánh tiết xin gửi lời tri ân tới tấm lòng hướng tới cội nguồn của toàn thể con cháu nội ngoại, sự quan tâm và ủng hộ dòng họ bằng tinh thần và vật chất của tất cả các quý vị từ trước tới nay!

 Lai Xá ngày 1 tháng 10 năm 2022

 Ban khánh tiết