Một số thay đổi về nề nếp của dòng họ từ những năm 1920
Làng Lai Xá cũng là một trong số các làng quê của miền Bắc. Họ Phạm là một trong nhiều dòng họ sinh sống tại làng Lai Xá, cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp về kinh tế, chính trị, xã hội từ những năm 1920.
Cụ Phạm Văn Năm cho biết thêm: “Trong thời gian này, các gia đình có ruộng để sản xuất lương thực thì kinh tế khá giả và ổn định hơn các hộ gia đình, cá nhân phải đi làm thuê, cày thuê, cuốc mướn, ăn nhờ, ở đợ. Một số gia đình sinh sống bằng nghề dệt cửi.
Các gia đình trong làng có từ 3 mẫu ruộng trở lên để cày cấy mới có thể có đất đóng gạch (gạch bìa nung bằng rơm, dạ), tự nung và có gạch xây nhà, xây tường rào. Các gia đình không có ruộng thì đi làm thuê cho các nhà có ruộng ở làng hoặc ở làng khác. Người biết nấu ăn thì đi nấu ăn thuê cho các tiệm.”
Một số các cụ, trong làng cũng như trong dòng họ, may mắn học được nghề Nhiếp ảnh từ lúc tuổi đời còn rất trẻ thì đi khắp nơi để làm nghề. Người có tiền thì mở cửa hiệu, người chưa có tiền thì làm thợ cho các cửa hiệu của anh em trong họ hoặc cửa hiệu của các cụ ở họ khác. Một số cụ do công việc ở quê hương khó tìm, đã bứt phá ra đi tới những vùng đất mới để sinh sống, với hy vọng tìm được công việc phù hợp cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.
1. Các cụ đã đi sinh sống ở các địa phương
Chi 1:
Các cụ đi Sài Gòn: Cụ Phạm Văn Hải (năm 1940), cụ Phạm Văn Tiến - cụ Năm Cầm (năm 1941), cụ Đạt (cụ Hai Phền).
Cụ Phạm Văn Rục đi thị trấn Phùng, Đan Phượng (năm 1924), sau đó các cụ con cụ Rục: cụ Phạm Văn Xuyến, cụ Phạm Văn Độ, cụ Phạm Văn Long và cụ Phạm Thị Thanh (Tỵ) đi Hà nội năm 1955. Cụ Phạm Văn Cung đi Hà Nội (trước năm 1942), sau đó con cháu định cư ở Bắc Giang.
Chi 2:
- Các cụ đi Sài Gòn: Cụ Phạm Ngọc Chương (năm 1939), cụ Phạm Văn Kỳ (khoảng năm 1954), cụ Phạm Bốn Ngọc (khoảng năm 1942).
- Các cụ đi Hà Bắc - Bắc Giang (năm 1947): Cụ Phạm Gia Ngật, cụ Phạm Gia Trúc, cụ Phạm Gia Trĩ, cụ Phạm Gia Tiếu.
- Các cụ đi Hà Nội: Cụ Phạm Đăng Hưng (năm 1948), cụ Phạm Gia Kinh đi Thạch Thất - Hà Nội (trước năm 1949), cụ Phạm Gia Lễ (khoảng năm 1952), cụ Phạm Như Tuế (trước năm 1954), cụ Phạm Gia Thư (khoảng năm 1947), Cụ Phạm Văn Cầm đi Hải Phòng-Hà Nội (trước năm 1924), Cụ Phạm Văn Thành (năm 1950)
- Các cụ đi Hải Phòng: Cụ Phạm Văn Tám (năm 1927), Cụ Phạm Văn Thú (Mười) (năm 1939)
- Các cụ đi Thái Nguyên: Cụ Phạm Gia Vĩnh (năm 1954), năm 1955 cụ trở về làm ảnh tại Thanh Ba, Phú Thọ.
Chi 3:
Cụ Phạm Văn Ước đi Hà Nội (năm 1945).
Chi 4:
Cụ Phạm Văn Bối đi Hà Nội (năm 1944), sau năm 1955 cụ cùng các con, cháu định cư ở Lạng Sơn.
Chi 5:
- Các cụ đi Sài Gòn: Cụ Phạm Thị Bốn, cụ Phạm Văn Sáu - tức Sáu Chất (năm 1955), cụ Phạm Ngọc Thành (năm 1976), Cụ Phạm Văn Đồng (năm 1954)
- Các cụ đi Hà Đông: Cụ Phạm Văn Châu (bố cụ Lâm) (năm 1928)
Cụ Phạm Văn Trạch bị lạc từ nhỏ (không nhớ năm bao nhiêu), rồi cụ làm con nuôi một gia đình ở Vĩnh Phú, cụ Trạch sinh ra cụ Phạm Văn Thọ. Cụ Thọ sinh ra ông Phạm Bá Ngà (đời thứ 9).
Các cụ đi Hà nội: Cụ Phạm Văn Đào (năm 1954)
Chi 6:
Các cụ đi Sài Gòn: Cụ Phạm Văn Kiều, Phạm Văn Nghị (trước năm 1945). Khoảng năm 1952 cụ Kiều về Lai Xá, cụ Nghị vẫn ở Sài Gòn (sau đó bị mất liên lạc).
Các cụ đi Hà nội: Cụ Phạm Văn Hợi (Cụ Bốn Phệp), Cụ Phạm Văn Quý (Cụ Quý Phệp) - trước năm 1954.
Cụ Phạm Văn Tập đi Dương Liễu sinh sống (năm 1947), con cụ Tập là cụ Phạm Văn Mạnh đi bộ đội năm 1966, sau giải phóng miền Nam (năm 1975) cụ chuyển nghành, định cư ở Ninh Bình từ năm 1978.
Các cụ, ông bà đi sinh sống, làm ăn ở các tỉnh thành, hầu hết có cuộc sống ổn định, khá giả và sung túc hơn cuộc sống thuần nông ở Lai Xá.
(Các gia đình tiếp tục gửi về cho ban Khánh tiết các thông tin về các cụ, ông bà trước đây đã đi sinh sống ở các địa phương để các thế hệ cháu, chắt sau này biết được và tự hào về cha ông, cụ kỵ nhà mình)
2. Nề nếp của dòng họ
Họ Phạm thôn Lai Xá được gọi là “Phạm Đại Tôn” (Đại Tôn ở đây được hiểu là: Dòng họ lớn). Từ xa xưa, theo Gia phả chữ Nho còn lưu lại, từ năm Cảnh Hưng 29 (1768) các cụ đã ghi chép để lại những nội dung của một Hương Ước để con cháu thực hiện. Các cụ đã để lại các bài văn cúng nhân các dịp lễ tiết, quy định các điều lệ, nghị định trong họ để cùng nhau thực hiện.
Dưới đây là vài trang dịch từ chữ Nho (trong bản dịch, ví dụ: tr.36 là trang số 36 được đánh số khi mang đi nhờ Viện Nghiên Cứu Hán Nôm dịch năm 2022)
Trải qua những giai đoạn lịch sử, chế độ xã hội trong vòng hơn 300 năm, đến nay dòng họ vẫn giữ được những nề nếp từ xa xưa như: Tế Tổ, đi thăm mộ các Cụ Tổ chiều hôm trước mùng 1 – 3 ÂL, làm giỗ các Cụ Tổ, lệ “Vào họ” cho các cháu trai được sinh ra. Một số tục lệ nay đã thay đổi cho phù hợp hơn với xu thế của thời đại.
3. Sự gia tăng xuất đinh
Quý vị tham khảo sự gia tăng xuất đinh của dòng họ ở các chi qua các lần thu tiền xuất đinh để xây dựng nhà thờ và xây dựng các ngôi mộ Tổ (số xuất đinh thực tế cao hơn)
4. Việc trông nom nhà thờ họ
Ông Tuấn cho biết: “Năm 1940, cụ trưởng tộc Phạm Văn Hải đi Sài Gòn sinh sống. Cụ Phạm Văn Tiến (cụ Năm Cầm) đi Sài Gòn năm 1941. Từ năm 1941 việc trông nom nhà thờ do cụ Phạm Văn Huyến (thầy tôi) đảm nhiệm (cụ Hải, cụ Tiến và cụ Huyến là 3 anh em con chú con bác). Cụ Phạm Văn Huyến không trực tiếp ở tại nhà thờ. Năm 1944 gia đình tôi đi Hà Nội sinh sống tại phố Hàng Than, Hà Nội (gần nhà máy điện Yên Phụ). Năm 1955 gia đình tôi về Lai Xá sinh sống. Từ 1941 đến 1980 nhà thờ cho các gia đình ở nhờ: 2 gia đình các cụ trong họ, gia đình 1 cụ họ Nguyễn, Viện thiết kế điện (đi sơ tán lúc Mỹ đánh phá Hà Nội năm 1972), cô giáo Hợi (giáo viên dạy cấp I tại làng). Cổng nhà thờ xây năm 1954 nhưng không lắp cánh cổng vì nhà thờ không có người ở. Từ năm 1980 gia đình tôi về ở và trông nom nhà thờ mới lắp cánh cổng, rào bờ rào, năm 1996 mới xây tường rào. Thầy tôi mất năm 1990 và tôi trông nom nhà thờ tới nay (2022).”
5. Việc làm giỗ Tổ
Trong thời gian từ 1920 đến 1954: Pháp và Nhật đô hộ nước ta, kinh tế toàn dân vô cùng khó khăn. Từ 1954 đến 1975 là thờ gian chống Mỹ. Các gia đình, các cụ trong dòng họ người sinh sống tại làng, người đi làm ăn, sinh sống ở các địa phương. Từ năm 1990 trở đi kinh tế toàn xã hội dần được cải thiện. Thời gian từ năm 1998 trở về trước dòng họ mỗi năm chỉ làm giỗ Cụ Tổ ông (cụ đệ nhất) 1 – 3 ÂL. Từ năm 1999 hàng năm làm giỗ cả Cụ Tổ bà 8 – 6 ÂL (cụ đệ nhất) và Cụ Tổ ông 2 – 5 ÂL (cụ đệ tam). Sau khi dịch được nốt các trang Gia phả từ chữ Nho sang Tiếng Việt (ngày 5 tháng 7 năm 2022), ban khánh tiết đã họp ngày 1 tháng 9 năm 2022 và thống nhất từ năm 2023 trở đi, mỗi năm dòng họ làm giỗ 5 Cụ Tổ: 4 – 2, 1 – 3, 2 – 5, 8 – 6 và 19 – 12 ÂL. (quý vị xem thêm ở phần “Truyền thống giỗ, tết”)
6. Tổ chức tang lễ
Ông Phạm Anh Tuấn (sinh 1961) – chi 1 kể lại: “Từ xa xưa khi các cụ trong họ về với tiên tổ, dòng họ có một bộ đòn để khiêng, đưa đám gọi là “đòn đám ma”. Năm 1970, khi đó gia đình tôi không sống ở nhà thờ, trong một lần cùng Thầy, U tôi về dọn dẹp nhà thờ, lau dọn đồ thờ chuẩn bị đón tết, tôi thấy trong nhà thờ còn giữ lại bộ đòn đưa đám. Bộ đòn chỉ còn một thanh dọc (một thanh chắc đã bị hỏng), trạm trổ rồng phượng, vài chiếc đòn ngang để khiêng, vài chiếc cờ đen trắng để đưa đám. Xét thấy không dùng nữa, tôi đã bỏ ra ngoài vườn và sau đó dùng làm củi đun hoặc mục nát mất. Năm 1989 còn 3 chiếc Chiêng đồng (chiêng dùng để đưa đám, đã rịa núm), xét thấy không dùng nữa, cụ Phạm Văn Điển (trưởng ban khánh tiết) đã cho bán thanh lý và nhập vào quỹ của họ được 10.000 đ (mười ngàn đồng), sổ thư ký của dòng họ còn lưu lại thông tin.”
Cụ Phạm Văn Năm (sinh 1932) – chi 6 cho biết: “Trước kia ở làng Lai Xá có 2 họ có bộ đòn đưa đám, đó là họ Phạm và họ Nguyễn. Khi bộ đòn của họ Phạm bị hỏng thì khi trong làng có các cụ qua đời đều mượn bộ đòn của họ Nguyễn để khiêng. Thôn cũng không có bộ đòn khiêng dùng chung cho đám tang mà khi bộ đòn của họ Nguyễn hỏng thì tu sửa để cả làng cùng dùng. Đến năm 1998 hội thọ của thôn mua sắm 1 chiếc Xe tang, từ đó đến nay (2022), cả làng đều dùng xe tang để đưa đám khi có người thân qua đời.”
Ông Tuấn cho biết thêm: “Những năm từ 1990 trở về trước, khi trong họ có các cụ qua đời, người nhà thường báo cho ông trưởng tộc, ông trưởng tộc báo cho các ông trưởng chi để các chi cùng biết và thăm hỏi, phúng viếng. Việc tổ chức tang lễ do các chi và gia đình tổ chức. Khoảng năm 1990 thôn bắt đầu có loa truyền thanh để thông báo các công việc và việc tổ chức tang lễ do Hội thọ / hội người cao tuổi giúp các gia đình khâu tổ chức tang lễ nên không duy trì nề nếp này nữa.”
7. Nề nếp đã thay đổi
Ban khánh tiết cũng thấy: Vài chục năm trở lại đây, trong họ ngoài làng, một số nét văn hóa thể hiện tình làng nghĩa xóm cũng dần được thay đổi. Trước đây, khi trong làng, trong họ, nhà ai có việc như: Có con đi bộ đội, ăn hỏi, cưới xin cho con, hay bốc mộ cho người thân…., chiều, tối hôm trước bà con trong họ, ngoài làng đến chơi, thăm hỏi và giúp các công việc chuẩn bị hay tổ chức. Chiều hôm trước hôm tổ chức đám cưới, nhà ai cũng được bà con họ hàng, bạn bè thân thích tới đông đúc, giúp công việc chuẩn bị và dự bữa cơm gọi là “cơm dựng rạp”.
Lúc cuộc sống còn khó khăn, chưa có dịch vụ cho thuê bàn ghế, phông bạt, khi nhà có việc bà con gần gũi tới giúp việc mượn bàn ghế khắp xóm, mượn bạt để căng ở sân chuẩn bị cho ngày chính tiệc. “Ban làm cỗ” giúp gia đình lên thực đơn, phân công nhau đi mua thực phẩm rồi nấu cỗ. Nay có dịch vụ cho thuê bàn ghế, phông bạt, nấu cỗ, hầu hết các gia đình không tự nấu cỗ như trước đây.
Trước đây ở Lai Xá hầu hết các gia đình đều có đất, nhà, vườn rộng, công việc cưới xin cho con cháu diễn ra tại nhà. Từ năm 2008, khi đất nông nghiệp bị thu hồi, dân Lai Xá không có nhu cầu để sân rộng để phơi thóc như trước nữa. Hầu hết mọi gia đình đều phân chia đất đai cho các con. Vì thế nhà nhà không còn đủ khoảng trống để tổ chức mời khách tới dự cỗ cưới tại nhà nữa. Đa số các gia đình đã nhờ Nhà văn hóa của thôn để tổ chức tiệc cưới.
Các nề nếp thể hiện tình làng, nghĩa xóm bây giờ không được đằm thắm như trước nữa. Khi gia đình có công việc, chỉ những người thân cận nhất hoặc các gia đình cùng bản chi tới thăm hỏi hoặc chung lo công việc. Xã hội thay đổi, làng Lai Xá cũng thay đổi theo và không còn giữ được nét văn hóa truyền thống của những năm 1990 trở về trước nữa. Làng Lai Xá đã “Đô thị hóa” vì thế một số nét văn hóa cũng thay đổi theo.
8. Nề nếp tốt còn lưu giữ
Theo con số ban khánh tiết thống kê các xuất đinh năm 2021: Tổng số xuất đinh của dòng họ có trên 750. Chi 1: 38, chi 2: 355, chi 3: 21, chi 4: 32, chi 5: 85, chi 6: 235. (số xuất đinh thực tế còn cao hơn)
Có 3 chi có xuất đinh đông nhất. Một nề nếp ở chi 2, chi 5 và chi 6 đáng để các chi khác học tập, đó là việc Bản chi chung tay góp sức lo lắng công việc giúp các gia đình khi có công việc. Chi 6 có ban tổ chức / ban khánh tiết, ông trưởng ban khánh tiết, thư ký, thủ quỹ. Ban khánh tiết lo lắng các công việc của bản chi trong năm, giỗ, tết, xây dựng và tu bổ các ngôi mộ Tổ của bản chi và giúp các gia đình khâu tổ chức trong các công việc khi cần.
Ở chi 2 và chi 5 các cụ, các ông bà trong chi rất có trách nhiệm với công việc chung của bản chi cũng như việc “đại sự” của các gia đình. Trước ngày có việc, các cụ, các ông bà có kinh nghiệm được gia đình mời đến họp, bàn và giúp cho gia đình khâu tổ chức. Vì thế mọi công việc của các gia đình được các quan khách, dân làng và dòng họ đánh giá cao, chu đáo nề nếp.
Các chi 1, 3 và 4 vì số gia đình ở làng ít nên không hình thành rõ nét công tác tổ chức của bản chi, tuy vậy mọi công việc của các gia đình vẫn được anh em xa gần cùng chung tay lo lắng chu đáo.
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết: “Ở chi 1 chỉ có gia đình tôi sống ở địa phương. Khi có công việc, anh em trong bản chi ở nơi xa về không quen với các nề nếp của địa phương. Mọi công việc tôi được sự quan tâm giúp đỡ của cả dòng họ. Khi tôi cưới cho 2 con trai, tôi nhờ tất cả các cụ, các ông, bà trong ban khánh tiết giúp tôi khâu tổ chức.
Khi công việc xong, gặp lại các vị khách, nhất là các vị khách ở nơi xa, tôi nhận được các lời đặc biệt khen ngợi và rất trân trọng nề nếp của dòng họ được thể hiện trong khâu tổ chức đám cưới cho con tôi. Có vị khách tâm sự: “nề nếp tiếp khách chu đáo đó dòng họ, gia đình tôi đáng phải học tập”. Đúng là “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Tôi thầm tự hào, thầm cám ơn ban khánh tiết, anh em xa gần và hãnh diện về dòng họ lắm.”
Ban khánh tiết mong rằng những nề nếp đẹp của các chi và cả dòng họ được mọi thành viên ghi nhận và duy trì. Điều này thể hiện tình đoàn kết thân ái, giúp đỡ nhau trong mọi công việc của cá nhân, gia đình, trong các chi và cả dòng họ.
9. Nề nếp “Ngâm rượu”
Ban khánh tiết cũng muốn lưu thông tin này để quý vị cùng biết được một nét văn hóa dòng họ đã làm trong hơn 20 năm qua. Năm 2000, đông đảo con cháu nội ngoại của họ Phạm thôn Lai Xá đi ăn giỗ ở họ Phạm Ngũ Chi làng Bát Tràng. Họ Phạm Ngũ Chi làng Bát Tràng còn duy trì một số nề nếp nhằm giáo dục các thế hệ con cháu của dòng họ hiểu được những ngày “Hàn vi” của các thế hệ cha ông đi trước. Đó là ngày giỗ Tổ vẫn duy trì các món ăn như: Cháo hoa, cơm nắm, muối vừng, canh chuối ốc nhồi, đậu phụ (những món mà lúc nghèo khó, các cụ thường ăn, nay trở thành đặc sản). Một món mà đi ăn giỗ Bát Tràng về (năm 2000), con cháu đều thấy nên học tập. Đó là món rượu “Bách nhật”. Thứ rượu làm từ Nếp cái hoa vàng đem ủ rượu (Rượu nếp) xong cho rượu vào ngâm, ngâm 100 ngày nên gọi là “Bách nhật”. Đó là thứ rượu mà quý vị thấy được sử dụng khi về dự giỗ cụ Tổ ngày 1 – 3 ÂL từ năm 2002 tới nay. Trước đó món rượu này chưa thấy có ở làng Lai Xá. Cũng từ 2002 tới nay, một số gia đình trong họ thấy món rượu này cũng ngon nên ngâm để sử dụng hàng ngày hoặc chuẩn bị để tiếp khách trong những việc “Đại sự” của gia đình (những việc có sự chuẩn bị trước).
Ngày 11 - 8 - 2001 các cụ, ông thống nhất cùng đóng góp để ngâm Rượu nếp phục vụ các ngày giỗ Tổ.
Xung phong đóng góp
Ông Phạm Tiến Thành - chi 1: 2 chiếc chum to
Ông Phạm Như Giang - chi 2: 3 kg gạo nếp
Ông Phạm Đình Thịnh - chi 6: 3 kg gạo nếp
Ông Phạm Văn Sơn - chi 6: 3 kg gạo nếp
Ông Phạm Ngọc Điền - chi 2: 4,5 kg gạo nếp
Ông Phạm Gia Thái - chi 2: 3 kg gạo nếp
Ông Phạm Gia Phú - chi 2: 3 kg gạo nếp
Ông Phạm Anh Tuấn - chi 1: 6 kg gạo nếp
Ông Phạm Ngọc Kính - chi 2: 1,5 kg gạo nếp
Ông Phạm Đình Tòng - chi 6: 20.000đ
Cụ Phạm Ngọc Quyến - chi 5: 10.000đ
Ông Phạm Gia Cường - chi 2: 10.000đ
Ông Phạm Quang Thái - chi 5: 3 lít rượu
Cụ Phạm Văn Năm - chi 6: 5 lít rượu
Ông Phạm Gia Hùng - chi 2: 2,5 lít rượu
Ông Phạm Ngọc Tuấn - chi 2: 2,5 lít rượu
Ngày 2 tháng 12 năm 2002: Ông Phạm Anh Tuấn – chi 1 ủng hộ 10 lít rượu. Ông Phạm Văn Tuấn – chi 1 (con cụ Đôi) ủng hộ 10 lít rượu
Từ những năm sau, ban khánh tiết thống nhất hàng năm trích quỹ để ngâm “Rượu nếp” để sử dụng vào các ngày giỗ Tổ. Đó là một kỷ niệm, một sự khởi đầu của một nề nếp mà dòng họ ta còn duy trì tới nay.
10. Ban khánh tiết
Từ 1980 trở về trước, trước ngày giỗ Tổ 1 – 3 ÂL, các cụ, các ông bà trưởng chi và các cụ cao tuổi về nhà thờ để cùng bàn cách thức và quy mô làm giỗ. Dần dần xét thấy cần thành lập một ban của dòng họ để thực hiện các công việc của dòng họ, các cụ đã hình thành “Ban tổ chức” của dòng họ ngày 20 tháng 2 năm 1986. Ban tổ chức có: ông trưởng ban, 6 ông bà trưởng của 6 chi và các cụ, các ông, bà nhiệt tình với công việc chung của dòng họ. Sau này “Ban tổ chức” lấy tên là “Ban khánh tiết”. (quý vị xem thêm ở mục “Ban khánh tiết”)
Dịp giỗ Cụ Tổ 1 - 3 ÂL hàng năm
Chiều hôm trước 1 – 3 ÂL, ban khánh tiết cùng con cháu xa gần tập trung về nhà thờ họ đông đúc. Sau khi làm các công việc chuẩn bị cho ngày đại lễ, con cháu đi thăm và lễ các ngôi mộ các Cụ Tổ.
Ngày chính giỗ: Ban khánh tiết tổ chức tiếp đón các vị khách mời và các thế hệ con cháu nội ngoại của dòng họ về dự giỗ Tổ. Ban tế của dòng họ tổ chức tế Tổ. Ban làm cỗ chuẩn bị, nấu cỗ và sắp cỗ. Ban khánh tiết điều hành việc họp họ ngắn gọn, tổng kết năm cũ, kế hoạch năm mới, phát thưởng cho các cháu đỗ đại học. Các công việc hoàn tất, ban khánh tiết mời các vị khách và con cháu nội ngoại thụ lộc.
11. Sự hy sinh cho đất nước, quê hương
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, làng Lai Xá và họ Phạm đã tiễn bao người con lên đường cứu nước. Trong những người con anh dũng đó, cả thôn có 72 các anh đã anh dũng hy sinh. Dòng họ mất đi 18 người con không trở về. (quý vị xem thông tin chi tiết ở mục: “Người có công”)