Chúng tôi xin điểm lại vài nét về truyền thống giỗ, tết từ trước đến nay để các cụ, ông bà, cô chú và các cháu biết lý do hiện giờ dòng họ tổ chức 5 dịp giỗ các Cụ Tổ trong một năm.

Trước năm 1978, truyền thống của dòng họ là chỉ giai đinh từ 18 tuổi trở lên mới được đến nhà thờ "ăn giỗ". Mỗi năm dòng họ chỉ làm giỗ Tổ một lần, đó là ngày giỗ cụ Tổ ông (cụ đệ nhất) ngày 1 – 3 ÂL.

Ông Tuấn cho biết: “Tôi sinh năm 1961. Từ những năm 1965-1966, tôi đã được về nhà thờ vào các ngày giỗ, tết. Tôi được chứng kiến từ năm 1965 đến năm 1972 (năm giặc Mỹ "leo thang" ra đánh phá miền Bắc), ngày giỗ tổ 1 - 3 ÂL chỉ làm 4 -5 mâm cỗ. Chủ yếu các cụ cao tuổi ở làng tới dự giỗ. Thanh niên trên 18 đều đi bộ đội, chiến trường B..., đánh Mỹ. Dưới 18 tuổi chưa được đến nhà thờ dự giỗ. Sáng mùng 1 – 3 ÂL các cụ làm "rạp" bằng các bộ gặp gàu (gàu sòng) gếch vào nhau, bên trên phủ bằng vài lá cót và trải 3 chiếc chiếu cói trong nhà thờ làm chiếu lễ. Ngoài sân không có bàn ghế để kê, lúc thụ lộc thì mang chiếu trong nhà thờ ra trải. Cỗ thì thật đơn sơ vì lúc đó thời bao cấp, kinh tế cả xã hội khó khăn. Trên mâm cỗ có đĩa xôi trắng, bát bún nộm cần (loại bát đàn, giống bát loa nhưng nông hơn, màu đất nung vàng vàng), canh su hào hoặc khoai sọ, lòng, dồi lợn, đĩa “nem thính” và đĩa thịt luộc, có khi chỉ là thịt "sủ". Sau khi thụ lộc, các cụ khăn gói ra về, tôi bắt đầu rửa bát, đĩa. Chỉ có tôi rửa bát (rửa bằng nước giếng đất tự đào) vì lúc đó nhà tôi không ở nhà thờ, các anh chị tôi đi bộ đội và công nhân ở nơi xa. Xong xuôi Thầy U tôi lại khóa cửa nhà thờ đợi đến dịp tết. Sau này nghĩ lại tôi mới thấy sự rất thiếu sót đối với các Cụ Tổ. Thời gian đó, ngày rằm và mùng 1 không hương khói cho các cụ bao giờ vì nhà tôi không trực tiếp ở nhà thờ. Gần tết âm lịch, tôi lại về nhà thờ để rửa và lau dọn đồ thờ chuẩn bị đón xuân. U tôi đi sắm ngũ quả, hương nén, hương vòng, hoa giấy, mứt để bày ba bàn thờ. Bánh trưng thì nhà luộc. Đêm giao thừa, Thầy tôi và tôi đợi đến 12 giờ, thắp hương các bàn thờ, khấn vái các cụ đầu xuân mới, xong lại khóa cửa. Ba ngày Tết mở cửa nhà thờ để các cụ, ông bà và các gia đình đến lễ Tết. Gia đình các cụ Phạm Văn Uyển, Phạm Văn Quyên và Phạm Gia Cập ... thường đưa và dẫn dắt cho các con, cháu đi theo đoàn đến biết và lễ tại nhà thờ vào dịp tết. Các cụ rất chú ý dẫn dắt để các con, cháu trong gia đình hướng tới Tiên tổ, như một hình thức giáo dục truyền thống, uống nước nhớ nguồn. Một số các cụ, ông bà đến lễ theo cá nhân. Không khí tết khi đó thật hồ hởi, đầm ấm.

Năm 1978, ngày giỗ Tổ 1 - 3 ÂL, có cụ Phạm Văn Tiến (cụ Năm Cầm) - chi 1, cụ Phạm Văn Ngọ - chi 2 ở miền Nam về dự. Các cụ cho ý kiến là ngày giỗ Tổ càng đông con cháu về thì càng vui chứ không nên hạn chế chỉ giai đinh từ 18 tuổi trở lên. Tất cả đều hoan nghênh ý kiến của các cụ và đồng lòng thực hiện. Từ đó con cháu dưới 18 tuổi cũng được về dự giỗ Tổ, kể cả nam lẫn nữ, cả con cháu ngoại tộc. Ngày giỗ có thêm các bà, các cô, các chị tham gia công tác hậu cần, rất đông vui. Dòng họ rất hoan nghênh các con cháu dâu, rể ngoại tộc về dự giỗ.”

Từ năm 1999, ban khánh tiết và các cụ trong họ đều thống nhất là hàng năm cần làm giỗ cả Cụ Tổ bà - cụ đệ nhất (8 - 6 ÂL) và Cụ Tổ ông - cụ đệ tam đã sinh ra 6 cụ trưởng của 6 chi (2 - 5 ÂL). (trước đó chưa làm giỗ các cụ bao giờ).

Năm 2019, được sự đồng ý của toàn họ ngày giỗ Cụ Tổ 1 - 3, ban khánh tiết đã nhờ 2 nhà ngoại cảm cùng một lúc để tìm mộ 2 Cụ Tổ - cụ đệ nhị (thông tin có ở phần "CÁC NGÔI MỘ TỔ - PHẠM ĐẠI TÔN"). Sau khi tìm được mộ 2 Cụ và chuyển về nghĩa trang và năm 2022 sau khi dịch được nốt Gia phả từ chữ Nho sang Tiếng Việt, ban khánh tiết thống nhất làm giỗ Cụ Tổ bà – cụ đệ nhị ngày 4 – 2 ÂL và Cụ Tổ bà – cụ đệ tam ngày 19 – 12 ÂL. Từ năm 2023 trở đi, mỗi năm dòng họ tổ chức làm giỗ các Cụ Tổ vào các ngày: 4 – 2, 1 - 3, 2 - 5, 8 - 6 và 19 – 12 ÂL.

Ngày 1 - 3 ÂL giỗ Cụ Tổ ông - cụ đệ nhất, với quy mô toàn họ, cả các con cháu nam, nữ, dâu, rể nội ngoại về tham dự. Các ngày giỗ các Cụ Tổ còn lại Ban khánh tiết có trách nhiệm làm giỗ. Nếu quý vị nào bố trí được thời gian về dự giỗ các Cụ Tổ vào những dịp đó cùng với ban khánh tiết thì rất hoan nghênh.

Ban khánh tiết xin ghi nhận tấm lòng hướng tới Tiên tổ của các cá nhân và gia đình thường đưa lễ về Nhà thờ để lễ Tổ nhân dịp tết Nguyên đán hàng năm: gia đình cụ Chư, cụ Xuyến, cụ Cát, cụ Độ, cụ Long ….. (chi 1)  anh Hùng (chi 6), các ông, bà: Như, Hải, Thanh, Toàn, Tính, Thành, Lân (chi 2), ông Tuấn (chi 2).

Ông Tuấn quyền trưởng nam cho ý kiến: “Việc các gia đình nhớ công ơn sinh thành của các Cụ Tổ, đã đưa lễ về Nhà thờ nhân dịp Tết nguyên đán, cơ bản chỉ cần trầu cau, tiền vàng, hương hoa, không quan trọng với các lễ vật khác.”

Lai Xá ngày 29 tháng 9 năm 2022

Ban khánh tiết

 

 

Phân loại