NHỚ VỀ GIỖ TỔ HỌ PHẠM LAI XÁ TẠI SÀI GÒN

“Cây có gốc mới nở cành xanh lá,

Nước có nguồn mới bể cả sông sâu

Người ta nguồn gốc từ đâu?

Tổ tiên có trước rồi sau có mình.”

Từ bao đời nay ông cha ta luôn nhắc nhở con cháu dù đi bất cứ nơi đâu cũng phải luôn nhớ về nguồn cội, Tổ Tiên và các đấng sinh thành của mình.

Sự di cư của một bộ phận cư dân làng Lai Xá (trong đó có tộc họ Phạm ) cũng gắn liền với quá trình khai thiên lập địa của tổ tiên nước Việt Nam ta. Quá trình này kéo dài suốt chiều dài lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc. Từ thời Nhà Lý, Nhà Trần và đặc biệt từ thời Nhà Nguyễn sau này.

Nhưng theo tôi người Lai Xá nói chung và con cháu Họ Phạm nói riêng được ghi nhận có mặt ở Phương Nam (Sài Gòn) là theo chân cụ Tổ làng nghề Nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh nên người vào định cư ở Sài Gòn sớm nhất cũng chỉ từ đầu thế kỷ 20 thôi.

Nghề nhiếp ảnh du nhập vào nước ta từ thập niên 60 của thế kỷ 19. Nhưng Nhiếp ảnh chỉ trở thành nghề mưu sinh cao quý khi Cụ Nguyễn Đình Khánh học được nghề ảnh từ một hiệu ảnh của người Trung Hoa và đứng ra mở hiệu ảnh Khánh Ký ở Hà Nội vào năm 1892 ở phố Hàng Da. Chính chủ trương phổ cập nghề nhiếp ảnh cho tất cả thanh, thiếu niên người làng nên Lai Xá đã trở thành cái nôi của Nhiếp ảnh Việt Nam. Nghề nhiếp ảnh dần xuất hiện ở hầu khắp từ Bắc vào Nam và lan toả ra nhiều nước trên thế giới. Trong đó một phần lớn đã chọn vùng đất Phương Nam để lập nghiệp và tạo ra một cộng đồng người Lai Xá tại Sài Gòn với tên gọi là “Hội Tương Tế Lai Xá”. (Sau năm 1975 được đổi lại là “Hội Đồng Hương Lai Xá”) bao gồm các dòng họ Phạm, Nguyễn, Đinh, Lương, Lê … Trong số đó, người họ Phạm luôn gắn kết nhau với tất cả tình cảm thắm thiết và thường nhắc nhở con cháu mình nhớ về Tổ Tiên nơi quê nhà Lai Xá.

Từ thập niên 50 của thế kỷ trước, hàng năm con cháu của họ Phạm Lai Xá tại Sài Gòn đã chọn ngày mùng 10/3 âm lịch là Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương làm ngày giỗ Tổ họ Phạm (cho đến nay tôi vẫn không hiểu tại sao các cụ lại chọn ngày mùng 10/3 thay vì ngày chính giỗ ở quê nhà là mùng 1/3 ?).

Vào ngày giỗ Tổ, những ai là con cháu họ Phạm tề tựu tại nhà cụ Phạm Văn Hải (Trưởng tộc họ Phạm Lai Xá) - là người Trưởng đại diện họ Phạm tại Sài Gòn. Nhà cụ Hải tọa lạc ở 1 chung cư tại quận 4 (tôi không nhớ được thông tin chính xác tên đường là gì). Thời gian sau, do nhà cụ Hải mặt bằng chật hẹp nên giỗ Tổ được dời qua nhà cụ Phạm Văn Tiến (tức cụ Năm Cầm) tọa lạc tại địa chỉ 233/29 B đường Võ Tánh, quận Nhì (sau năm 1975 đổi thành đường Nguyễn Trãi, quận 1). Kinh phí tổ chức lễ giỗ Tổ do các thành viên họ Phạm cùng nhau chung tay đóng góp. Nhưng những ai kinh tế khó khăn vẫn có thể tham gia dù đóng góp ít hơn hoặc không cần đóng góp vì trên tinh thần tưởng nhớ Tổ Tiên và họp mặt dòng họ tạo sự liên hệ, gắn bó trường tồn nên không phân biệt giàu nghèo. Mọi người có thể dẫn theo con cháu đến dự (tôi may mắn được theo Ba tham dự 1 vài lần nhưng tiếc rằng lúc đó còn quá nhỏ nên không nhớ chi tiết nhiều). Được nghe kể lại, gia đình cụ Phạm Văn Tiến luôn “góp công, góp của” nhiều nhất. Riêng cụ Trần Thị Ngạch (vợ của cụ Phạm Văn Tiến) rất đảm đang tháo vát và tài giỏi về ẩm thực, luôn phụ trách chính việc nấu nướng tất cả lễ giỗ cùng với các phụ nữ và dâu con họ Phạm.

Điều đáng tiếc là sau năm 1975 do nhiều yếu tố, đặc biệt là công việc làm ăn kinh tế sa sút nên ngày giỗ Tổ họ Phạm không còn duy trì như trước được nữa. Đó cũng là lý do dẫn đến thế hệ hậu sinh họ Phạm tại TP Hồ Chí Minh sau này cũng không còn liên lạc gắn kết nhau như ngày xưa.

Theo nhận định riêng của cá nhân tôi, khi tầng lớp các cụ ra đi từ làng Lai Xá vào Sài như cụ Phạm Văn Hải, cụ Phạm Văn Tiến (tức cụ Năm Cầm), cụ Đạt - cụ Hai Phền … – chi 1, cụ Phạm Ngọc Chương, cụ Phạm Văn Kỳ, cụ Phạm Bốn Ngọc (cụ Ngọ), – chi 2, cụ Phạm Văn Sáu (tức Sáu Chất), cụ Phạm Thị Bốn – chi 5, cụ Đình Kiến …… khuất núi thì bóng hình quê hương Lai Xá ở lớp hậu sinh cũng mờ nhạt dần theo những biến động của thời cuộc. Từ đó động lực để họp mặt họ tộc Họ Phạm tại TP Hồ Chí Minh hàng năm cũng nhạt dần… (Điều này làm cho những người còn có tâm với dòng họ và quê hương phải suy nghĩ … )

Nay nhân ngày giỗ Tổ họ Phạm sắp được tổ chức tại quê hương Lai Xá - Hà Nội (1 – 3 âm lịch), tôi xin được ghi chép lại một chút ký ức để các hậu nhân họ Phạm hiểu thêm phần nào về nỗi nhớ quê hương và tấm lòng thành kính, nhớ ơn Tiên Tổ nơi quê nhà của các bậc tiền nhân và hậu duệ của những người con Phương Nam, với hy vọng và mong muốn con cháu họ Phạm ta sẽ mãi tiếp nối và giữ gìn truyền thống tốt đẹp đó cho dù ở bất cứ nơi đâu cũng luôn nhớ về nguồn gốc tổ tiên họ Phạm Lai Xá.

Xin kính chúc toàn gia tộc họ Phạm luôn mạnh khỏe, an lành và may mắn!

TP Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 4 năm 2023 (27 – 2 âm lịch)

Phạm kim Oanh

(Út nữ của cụ Phạm Ngọc Chương - Chi 2)

 

Phân loại