Họ Phạm làng Lai Xá chúng ta rất phấn khởi và tự tin. Chúng ta phấn khởi vì Cụ Thủy Tổ từ làng Bát Tràng lên Lai Xá lập nghiệp đã sinh hạ ra các thế hệ con cháu nay đã sang đời thứ 13. Chúng ta tự tin vì dòng họ ta có lịch sử, truyền thống và Gia phả khá đầy đủ và rõ ràng.

Từ xa xưa, các cụ đã ghi chép và để lại cho chúng ta 7 quyển Gia phả bằng chữ Nho để các thế hệ con cháu nối dõi biết được và thực hiện mãi về sau. Các cụ đã lưu tại Gia phả cho chúng ta những lời văn khấn (Chúc hỗ từ) ngày giỗ, tết, những quy định về giỗ tết. Có quyển ghi các Vị Tổ cùng kỵ nhật và phần mộ. Có quyển lưu danh các vị hậu ruộng vào họ và các điều lệ. Có quyển Gia phả ghi “Quý dậu niên, thập nhất nguyệt …” (Năm quý dậu gần nhất có thể là 1933, 1873, 1813, 1753…) “Bảo Đại tam niên (1927)”.  

Trong thời gian từ 1930 đến 1970, gia phả của dòng họ không được ghi chép gì. Có lẽ thời gian đó chiến tranh loạn lạc, con cháu tản mát sinh sống ở nhiều nơi. Việc đi lại trong thời gian chiến tranh, xã hội bao cấp gặp nhiều khó khăn. Ngày giỗ Tổ thường chỉ một số cụ cao niên sinh sống tại làng tới nhà thờ làm giỗ Tổ.

Từ năm 1975 trở lại đây, hòa bình lập lại, con cháu lại có điều kiện về dự giỗ Tổ ngày một đông. Hoạt động của dòng họ dần được củng cố. Các hoạt động trong các năm của dòng họ được ghi chép bằng Tiếng Việt.

Ngày 10 – 9 – 1993, tôi đã xin ý kiến Ban khánh tiết (bằng văn bản) và photo 7 quyển Gia phả bằng chữ Nho để lưu thành 1 quyển. Photo tại Hà Đông vì lúc đó quanh làng chưa có dịch vụ photo. Trong các quyển đó, quyển số 7 (tôi tự đánh số các quyển khi photo) là quyển:

GIA PHẢ TỪ ĐƯỜNG – PHẠM ĐẠI TÔN – TIÊN TỔ - HÚY KỴ

Trước năm 1981, ngày giỗ Tổ, các cụ trong dòng họ biết chữ Nho lấy quyển số 7 này ra để khấn các Cụ Tổ ở bàn thờ gian giữa, ông trưởng tộc mặc áo the khăn xếp quỳ bên cạnh.       

 Quyển Gia phả số 7 này được dịch sang Tiếng Việt ngày 5 – 10 – 1981 (8 – 9 năm Tân Dậu). Thứ tự các Cụ Tổ thuộc các đời đều được ghi rõ theo thứ bậc. Đời thứ nhất ghi: Hiển kiêu kiêu tổ khảo (cụ ông) / tổ tỷ (cụ bà) …, đời thứ hai ghi: Hiển kiêu tổ khảo / tổ tỷ …., đời thứ ba ghi: Hiển tằng tổ khảo / tổ tỷ, từ đời thứ 4 ghi: Hiển tổ khảo / tổ tỷ ….

Ngày 16 – 4 – 1994 (6 – 3 năm Giáp Tuất), cụ Phạm Gia Quân (1923 – 2015) - chi 2, đã ghi chép lại nguyên văn quyển 7 này từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ. Từ đó ngày giỗ Tổ, các cụ lấy quyển chữ Quốc ngữ này để khấn các Cụ Tổ.

Năm 2000, khi thành lập đội tế của dòng họ, cụ Phạm Ngọc Giao (1932 – 2021) - chi 2, đã lấy tên các Cụ Tổ ở quyển Gia phả do cụ Phạm Gia Quân ghi chép lại để đưa vào bản Văn Tế ngày 1 – 3, Tế Giao Thừa và Tế sáng mùng 1 tết ÂL. Bản văn tế đầu tiên viết bằng mực tím, hiện nay tôi còn giữ.

Năm 1996 khi triển khai làm PHẢ HỆ của dòng họ (lý do tôi đã nói ở phần “QÚA TRÌNH LÀM PHẢ HỆ”), để xác định rõ thêm về ngôi thứ của các Cụ Tổ, tôi đã nhờ cụ Thượng Tọa (cụ Khoát) trụ trì chùa Phú Cốc, Thường Tín, Hà Nội dịch 7 quyển Gia phả nói trên để kiểm tra lại thông tin về ngôi thứ của các Cụ Tổ. Các quyển từ 1 đến 6 chưa được dịch hết.

Việc đưa tên các Cụ Tổ từ đời thứ nhất, thứ 2, thứ 3 và đời thứ 4 là các cụ trưởng của 6 chi vào PHẢ HỆ năm 1996, tôi lấy thông tin ở cuốn Gia phả số 7 này. Các thông tin từ đời thứ 5 đến đời thứ 12 (tính đến năm 1996) do các chi và các gia đình cung cấp.

Ngày giỗ Tổ 1 – 3 năm Đinh Dậu (28 - 3 - 2017) trong dòng họ có vài ý kiến phát biểu phân vân về ngôi thứ của Cụ Tổ có ngôi mộ hình Chong chóng ở Cửa Chùa Gio (tôi xin không nói cụ thể nội dung các ý kiến này).

Ngày 2 – 2 – 2018, ông Phạm Gia Phú (chi 2), với tấm lòng quan tâm và nhiệt tình với dòng họ, đã tự nguyện chi phí và nhờ Viện nghiên cứu Hán Nôm dịch quyển Gia phả số 7 sang Tiếng Việt để xác định ngôi thứ của Cụ Tổ có ngôi mộ hình Chong Chóng ở Cửa Chùa Gio. Bản dịch được T.S Nguyễn Kim Măng (T/L Viện trưởng) và bà Trương Thị Thuỷ, trưởng phòng Hành chính-Tổng hợp đã ký tên và đóng dấu. Bản dịch xác nhận cụ Hiển kiêu kiêu tổ tỷ .... (mộ cụ hình Chong chóng) là Cụ Tổ bà – cụ đệ nhất. Cụ Hiển kiêu kiêu tổ khảo ….. (mộ cụ tại xứ đồng Mã Cả) là Cụ Tổ ông – cụ đệ nhất.

Ngày giỗ Tổ 1 – 3 năm Mậu Tuất (16 - 4 - 2018), dòng họ lại nhận được thêm các ý kiến khác nhau về ngôi thứ của Cụ Tổ có ngôi mộ hình Chong Chóng ở xứ đồng Cửa Chùa Gio.

Ban khánh tiết xét thấy trong dòng họ có ý kiến khác nhau về ngôi thứ của Cụ Tổ có ngôi mộ hình Chong Chóng là việc hệ trọng.

Ban khánh tiết đã họp bàn, thống nhất ý kiến cần tổ chức họp Họ để tìm hiểu minh chứng, lấy ý kiến rộng rãi về sự việc nêu trên. Ngày 28 – 4 – 2018 ban khánh tiết tổ chức họp Họ. Thành phần gồm ban khánh tiết, các cụ, ông bà ở 6 chi, và các cụ, ông có các ý kiến phân vân về ngôi thứ của Cụ Tổ có ngôi mộ hình Chong Chóng.    

Sau khi tìm hiểu, trao đổi kỹ lưỡng, hội nghị thống nhất là dòng họ cần tôn trọng các thông tin về ngôi thứ của các Cụ Tổ đã lưu giữ lâu đời ở quyển Gia phả bằng chữ Nho của dòng họ, đã được thực hiện từ xa xưa đến nay (quyển 7) chứ không thực hiện theo truyền miệng. Hội nghị đã biểu quyết lấy ý kiến. Có 99% đồng ý thực hiện như trong Gia phả bằng chữ Nho về vai vế, ngôi thứ của Cụ Tổ có ngôi mộ hình Chong Chóng. Cụ thể: ngôi mộ ở xứ đồng Mã Cả - Cụ Hiển Kiêu Kiêu Tổ Khảo Phạm Quý Công …. là cụ đệ nhất. Ngôi mộ ở xứ đồng Cửa Chùa Gio (ngôi mộ hình Chong chóng) - Cụ Hiển Kiêu Kiêu Tổ Tỷ Phạm Chính Thất …… là cụ đệ nhất. Văn bản của cuộc họp đã được các thành viên ký xác nhận để thực hiện, lưu cả những ý kiến còn phân vân chưa thấy thỏa đáng. Sau buổi họp, ban khánh tiết đã photo văn bản của cuộc họp gửi tới các ông, bà trưởng của các chi để nắm được nội dung cuộc họp. Quý vị trong họ quan tâm có thể mượn ở các ông, bà trưởng của các chi để tham khảo.

Ngày 5 tháng 7 năm 2022, ban khánh tiết tiếp tục nhờ ông Phạm Gia Phú – chi 2 - giúp dòng họ dịch nốt các quyển Gia phả bằng chữ Nho ra tiếng Việt. Trang 5 quyển số 6 có ghi cụ có ngôi mộ ở Mã Cả là cụ ông, có vợ là cụ có ngôi mộ ở cửa Chùa Gio (nội dung ở ảnh bên dưới). Bản dịch do TS Nguyễn Quốc Khánh – Viện Nghiên Cứu Hán Nôm - thực hiện và bà Trương Thị Thủy, trưởng phòng Hành chính-Tổng hợp ký tên và đóng dấu xác nhận.

1

 

2

Việc con cháu tìm hiểu về cội nguồn, vai vế của các cụ là việc làm đầy trách nhiệm đối với dòng họ. Ban khánh tiết hoan nghênh các ý kiến của các cụ, các ông đã đưa ra khi phân vân về ngôi thứ của Cụ Tổ có ngôi mộ hình Chong Chóng ở xứ đồng Cửa Chùa Gio. Càng tìm hiểu ra sự thật về dòng họ càng có giá trị đối với các thế hệ con cháu mai sau. Để dòng họ ta không bị tiếng là “huyền phả”.

Ban khánh tiết vẫn lắng nghe và luôn mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến khác về ngôi thứ của Cụ Tổ có ngôi mộ hình Chong Chóng ở xứ đồng Cửa Chùa Gio. Ý kiến cần có chứng cứ cụ thể, thuyết phục để dòng họ tiếp tục tìm hiểu.

Lai xá ngày 20 tháng 7 năm 2022

Thay mặt Ban Khánh Tiết

Quyền trưởng nam: Phạm Anh Tuấn