TÓM TẮT LÝ LỊCH DI TÍCH LỊCH SỬ VÀ KẾT QUẢ TU BỔ DI TÍCH QUÁN LAI XÁ, THÔN LAI XÁ, XÃ KIM CHUNG, HUYỆN HOÀI ĐỨC, TP HÀ NỘI

Quan Lai Xa

 

1

 

Bằng xếp hạng Quán Lai Xá

 

2

 

Lai Xá là 1 vùng đất cổ có bề dày lịch sử hàng nghìn năm. Xưa làng có tên nôm la là Trôi Lai. Dưới thời Lê cho đến đầu thời Nguyễn Lai Xá là một xã thuộc tổng Kim Thìa huyện Đan Phượng – phủ Quốc Oai – Trấn Sơn Tây

I. VỀ TÊN GỌI DI TÍCH:

Quán Lai Xá là tên gọi được thống nhất trong hồ sơ khoa học. Quán Lai Xá là tên gọi theo địa danh thôn Lai Xá. Ngoài ra, di tích còn có tên gọi khác là Địa Linh Quán.

II. VỀ PHÂN LOẠI DI TÍCH:

Quán Lai Xá là di tích tín ngưỡng thờ Thần / Thành hoàng là An Sinh Vương Trần Liễu, nơi đây từ xa xưa đã là Trung tâm văn hóa của cộng đồng cư dân làng xã. Căn cứ kết quả khảo sát, nghiên cứu và căn cứ Điều 28, Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và các tiêu chí phân loại di tích tại điều 11, Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Di sản Văn hóa và luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Di sản Văn hóa năm 2009.

Xét những giá trị nổi bật của di tích thì Quán Lai Xá thuộc loại hình di tích: Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật

III. VỀ SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ, ĐẶC ĐIỂM CỦA DI TÍCH:

 1. Sự kiện, nhân vật lịch sử:

Tại bản khai thần tích, thần sắc được lưu giữ tại Đình làng Lai Xá thì Quán Lai Xá thờ vị Thành hoàng làng là An Sinh Vương Trần Liễu, thân thế, công danh hành trạng của Ngài có thể tóm lựơc như sau:

An Sinh Vương Trần Liễu sinh ngày 8 tháng giêng năm Giáp Tuất (19/02/1214), mất ngày 4 tháng Giêng năm Ất Mão (12/02/1255), là cha của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, anh của vua Trần Thái Tông.

Về sau, bị chú là Thái sư Trần Thủ Độ áp chế làm trái đạo phu thê của anh em. Ngài bất bình, bèn “khởi loạn, biệt lập giang sơn” ở các xã An Phụ, An Dưỡng, An Sinh, An Hưng, An Bang (địa phận huyện Đông Triều và thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh hiện nay), Thọ Lão, Châu Trần (thuộc huyện Mê Linh ngoại thành Hà Nội hiện nay) và Làng Lai Xá chiến đấu với quân lính triều đình.

Khi Trần Liễu đóng đồn ở Lai Xá, quân triều đình đến vây đánh, hai bên đánh nhau bốn trận nhưng chưa phân thắng bại. Trần Liễu thấy bất lợi bèn rút về đồn và vào trú ở chùa Linh Bảo. Bỗng nhiên thấy tiếng ầm ầm như quân mã reo hò, rồi quân triều đình tự nhiên tan chạy. Đêm đến, Ngài mộng thấy một vị đầu đội mũ nhà Phật, tay cầm một đóa Kim Liên, vai đeo hồ Bạch Ngọc, nói là người ở Tây Thiên Thiếu Sinh đến giúp sức. Từ bấy giờ uy thế của ông càng lừng lẫy, sau đó Trần Liễu cho tu bổ các đồn binh tại các xã.

Một lần, Trần Liễu đóng quân ở Đại Giang (Hải Dương), Trần Thủ Độ cùng với Trần Thái Tông đem đại binh ra ngênh chiến. Đêm đến, Trần Liễu nằm mộng thấy thiên thần hiện lên và nói với Ngài rằng: “Không nên cưỡng lại đạo trời mà hại sinh linh, vả lại cùng huyết mạch đồng bào với hoàng gia, há lại không có lòng thương nhau”. Tỉnh dậy, Ngài tự nghĩ rằng lòng trời đã báo ứng như thế thì mọi sự cũng khó thành, huống chi lại đi chống lại tình huyết mạch, bèn bó giáo, cùng bảy, tám trăm binh sĩ đi thuyền con, giả làm phường đánh cá lên đến đồn của Trần Thái Tông đầu hàng.

Trần Thái Tông phong chức cho Ngài nhưng Ngài xin lui về thôn ấp vui cảnh Phật. Bấy giờ nhà vua cũng thuận lời Ngài thỉnh cầu và ban cho Ngài nhiều nhung lụa, vàng, bạc, lại phong các xã An Phụ, An Dương, An Sinh, An Hưng, An Bang là nhưng thang mộc ấp và các xã Thọ Lão, Châu Trần, Lai Xá, Bố Chính Châu, Nam Vịnh, Sáng Sơn là những hộ nhi hương và sửa phong hiệu là An Sinh Vương.

Ngày 15/2 năm Giáp Tuất (1274) Trần Liễu cùng Lã Thái Hậu và cung phi Nguyệt Nương đến lễ ở chùa Linh Bảo, dân làng làm cỗ chay đón mừng. Lúc ấy dân làng đang có nạn dịch, Ngài vào chùa làm lễ cầu an cho nhân dân bố thí cho những người nghèo khó và giúp dân củng cố lại cuộc sống. Từ bấy giờ, Làng Lai Xá được hưng thịnh.

Ngài cắm đất cho dân làm miếu, tức Vĩnh Quán. Ngài triệu bô lão trong làng đến để biểu thị rằng “Dân chúng đều là chỗ gia thần cố nghĩa, vậy nên thờ phụng ta ở ngôi miếu này, về sau đừng nên thay đổi gì cả”. Ở phía Tây của làng Lai Xá có ngôi quán, tương truyền đây là nơi diễn ra trận đánh đầu tiên của Trần Liễu chống lại Trần Thủ Độ.

Theo miêu tả trong bản thần tích, thần sắc năm 1938 còn lưu lại tại Viện Thông tin Khoa học xã hội, Quán ở vị trí đắc địa: đằng sau có gò cao làm gốc, lại có ngọn nước nhỏ diễu quanh hợp về đằng trước, phía trước có ao to làm nội minh đường, ngoại minh đường có ba ngọn nước giao nhau, tả hữu có tinh phong, long hổ chầu vào, bên tả có giếng đất, nước luôn ấm, bên hữu có gò mộc. địa hình gọi là hoàng xà. Bên tả, bên hữu tinh phong đều chầu vào cả. Dân làng Lai Xá mừng rỡ, lĩnh mệnh phụng sự Ngài tại quán làm Thành hoàng.

Vài năm sau, Ngài hóa, Triều đình phong Ngài là “Thượng đẳng phúc thần” và các mỹ tự là ‘Cao Trạc, Hiến Trung, Phù Chính, Phụ Quốc Đại Vương”.

Dân làng Lai Xá sửa sang lại ngôi miếu để thờ phụng Ngài. Trải qua thời gian dài nhân dân Lai Xá vâng theo mệnh cũ muôn đời hương hỏa.

Công đức của An Sinh Vươn Trần Liễu còn để lại mãi mãi cho thế hệ mai sau, các triều đại sau đều có sắc phong ca ngợi công đức của cụ Trần Liễu An Sinh Vương, sống là tướng tài giỏi phù chính phụ quốc, chết là hiển thần phù hộ muôn dân linh hiển ứng.

Dưới đây là sắc phong của thời đại:

1. Thời Cảnh Hưng có 4 đạo sắc:

2. Thời Lê Chiêu Thống có 1 đạo sắc

3. Thời Quang Trung có 1 đạo sắc

4. Thời Cảnh Thịnh có 1 đạo sắc

5. Thời Gia Long có 1 đạo sắc

6. Thời Tự Đức có 3 đạo sắc

7. Thời Duy Tân có 1 đạo sắc

8. Thời Đồng Khánh có 1 đạo sắc

9. Thời Khải Định có 1 đạo sắc

Tất cả 9 thời đại vua đã sắc phong cho An Sinh Vương Trần Liễu gồm 14 đạo sắc. Tất cả đều còn giữ nguyên trong ống quyển sơn son thiếp vàng cất vào cung cấm.

Nhân dân Lai Xá biết ơn Ngài nên trước ngày sinh, hóa thành Đức Thánh xuất gia nhập tự, xuân thu nhị kỳ và lấy ngày 15/2 là ngày mở tiệc hội để nhớ ơn cứu trợ của Ngài.

2. Đặc điểm di tích

  • Theo các cụ cao tuổi, Quán Lai Xá trước đây được xây dựng có quy mô kiến trúc như hiện nay.
  • Năm 1947, giặc Pháp chiếm làng, dỡ bỏ quán, lấy gạch, gỗ làm bốt Lai Xá phí trước quán, phá lớp cửa thứ 2 làm doanh trại lính.
  • Năm 1990, bằng sự hằng tâm hằng sản, nhân dân Lai Xá xây dựng lại quán theo kiến trúc cũ trên nền trước đây.
  • Năm 1996, ngôi quán được trùng tu, sửa chữa lại như kiến trúc hiện nay.

IV. SINH HOẠT VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG LIÊN QUAN ĐẾN DI TÍCH:

Làng Lai Xá là vùng đất cổ, cư dân quần tụ từ lâu đời, người dân nơi đây không chỉ cần cù chịu khó mà còn rất nghiêm cẩn trong việc tế tự thần linh, có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo... Đó là những truyền thống vô cùng tốt đẹp, đáng trân quý cần được kế thừa và phát huy.

Ngày nay, tuy không còn duy trì được tuyệt đối những nghi thức cúng tế như xưa, song những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích vẫn được gìn giữ và trao truyền cho thế hệ hôm nay.

Nhân dân Lai Xá tổ chức lễ hội vào ngày 15/2 âm lịch. Ngày rằm tháng 2 là kỷ niệm ngày Trần Liễu đến chùa Linh Bảo cầu nguyện cho dân làng được an sinh.

V. KHẢO TẢ DI TÍCH :

Quán Lai Xá tọa lạc trên mảnh đất trung tâm của khu dân cư. Với kết cấu kiến trúc tiền đao hậu đốc, các bộ phận cấu thành di tích bao gồm: Nghi môn ngoại, nghi môn nội, sân, tả, hữu mạc, tiền tế, trung tế và hậu cung.

Hiện trạng việc sử dụng đất đai ở di tích Quán Lai Xá là ổn định, khuôn viên của di tích được hoạch định rõ ràng.

Về kiến trúc, di vật: Đây là công trình còn lưu giữ được kiến trúc có phong cách nghệ thuật truyền thống. Hệ thống di vật khá đa dạng về chủng loại và chất liệu: Đồ gỗ, đồ giấy, đồ đồng, gốm, … các di vật hiện nay được bảo vệ tốt.

VI. VỀ GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HOÁ, KHOA HỌC CỦA DI TÍCH:

Mỗi di tích lịch sử văn hoá đều mang trong mình những giá trị trên nhiều phương diện nghiên cứu. Quán Lai Xá hình thành từ vùng đất cổ kẻ Lai có bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa... nơi lưu giữ những công trình tôn giáo, tín ngưỡng, lịch sử văn hóa có giá trị và Quán Lai Xá là một trong những công trình còn lưu giữ được lối kiến trúc cổ xưa, của nét sinh hoạt tín ngưỡng cổ truyền phụng thờ bậc anh hùng hào kiệt được nhân dân tôn thờ (Trần Liễu), vị tướng tài giỏi phù chính phụ quốc. Có thể nhận thấy giá trị của di tích trên các mặt chính sau:

1.Về giá trị Lịch sử - Văn hóa, khoa học và thẩm mỹ

Thành hoàng thờ tại di tích Quán Lai Xá là một trong những vị anh hùng dân tộc có công với nước với dân, bảo hộ phù trì sự bình yên trong cuộc sống. Công danh, hành trạng và hình tượng, sự tích về đức Thánh được ghi lại trong sử sách và tiềm thức của nhân dân địa phương. Song, tựu chung lại, đây là một dạng tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc là truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt.

Thành hoàng được thờ tại Quán Lai Xá là An Sinh Vương Trần Liễu. Đứng trước họa xâm lăng của “đế quốc” Nguyên – Mông, Trần Liễu đã gạt bỏ những mâu thuẫn nội bộ, đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, cùng con là Trần Quốc Tuấn thống nhất triều đình, động viên nhân dân đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm. Dưới sự lãnh đạo của nhà Trần, nhân dân Đại Việt đã đập tan 3 lần xâm lược của đế quốc Nguyên – Mông (năm 1258, 1285, 1288), giữ vững nền độc lập dân tộc, vẹn toàn non sông đất nước.

2. Về giá trị kiến trúc - nghệ thuật

Trải qua thời gian dài tồn tại đến nay, Quán Lai Xá vẫn bảo lưu được dáng vẻ của một kiến trúc cổ truyền, với quy mô truyền thống. Đặc biệt tại Quán Lai Xá còn lưu giữ hệ thống các di vật gỗ như: Ngai thờ, bài vị, hoành phi, câu đối,... là những di vật mang phong cách nghệ thuật khá đẹp. Thông qua các hiện vật này càng phản ánh tài năng sáng tạo nghệ thuật điêu khắc truyền thống của người nghệ nhân đường thời.

Cũng như bao di tích lịch sử văn hóa khác, Quán Lai Xá luôn là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, nơi giáo dục truyền thống cho nhân dân và là nơi điều chỉnh hành vi, đạo đức “Uống nước nhớ nguồn” của mỗi thành viên tại địa phương.

Lễ hội diễn ra hàng năm cũng là một hoạt động văn hóa dân gian hướng về nguồn cội. Việc tổ chức tế lễ, những trò chơi dân gian ngày càng hòa nhập và gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân trong vùng và thập phương. Đó là cách mà các thế hệ đi trước giáo dục lòng nhân đức, biết ơn tổ tiên cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Như vậy, có thể khẳng định Quán Lai Xá là một di tích tín ngưỡng gắn bó mật thiết với đời sống người dân nơi đây, di tích mang trong mình những giá trị về lịch sử, văn hoá, khoa học, nghệ thuật, kiến trúc, tâm linh ... góp phần khẳng định vùng đất này có lịch sử tạo dựng và truyền thống văn hoá từ rất lâu đời thể hiện ở một cơ cấu tổ chức làng xã hoàn chỉnh, chặt chẽ với những thiết chế, hương ước còn lưu lại đến hôm nay.

Quán Lai Xá nằm trong hệ thống các di tích của một làng Việt cổ mặc dù đã chịu những ảnh hưởng ít nhiều của quá trình đô thị hóa nhưng những nét truyền thống vẫn được bảo tồn. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, tên làng xã, địa danh, địa giới đã có những thay đổi nhưng là thuộc văn hóa Thăng Long hay văn hóa xứ Đoài, vùng đất này vẫn là nơi thân thuộc hội tụ và di dưỡng những truyền thống tốt đẹp với hệ thống những di tích lịch sử văn hoá đậm đặc, cổ kính nhiều năm tuổi.

Nhận thấy tầm quan trọng và giá trị của di tích nên UBND xã và nhân dân thôn Lai Xá đề nghị các cấp có thẩm quyền xếp hạng.

Xuất phát từ những nội dung, giá trị đã nêu trên, Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội đã phối hợp với Phòng Văn hoá Thông tin huyện Hoài Đức và các ngành liên quan lập hồ sơ pháp lý, hồ sơ khoa học theo qui định của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao có văn bản trình UBND thành phố xem xét ra quyết định xếp hạng Quán Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội là di tích Lịch sử - Nghệ thuật.

Sau khi các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, nghiên cứu, ngày 30/12/2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5444/QĐ-UBND xếp hạng Quán Lai Xá là di tích Lịch sử -Nghệ thuật cấp Thành phố.

Như vậy, cho đến nay trên địa bàn xã Kim Chung đã có 6 di tích được các cấp có thẩm quyền của nhà nước công nhận và xếp hạng, tạo nên một quần thể di tích lịch sử đa dạng và sống động, mang tính giáo dục cao. Các di tích là những tài sản quý giá của người xưa để lại, cần phải được tiếp tục tôn tạo, bảo tổn để phát huy giá trị di tích trong sự nghiệp giáo dục các thế hệ tương lai.

Sau khi được UBND thành phố Hà Nội ký quyết định xếp hạng di tích, được sự quan tâm của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và các phòng ban chuyên môn quan tâm, UBND huyện đã phê duyệt đầu tư xây dựng.

3. Quy mô hạng mục công trình, công trình xây dựng:

* Tiền tế (S=95m2):

Hạ giải toàn bộ công trình từ mái đến móng, các kết cấu gỗ sau hạ giải xuống được phân loại, đánh giá tình trạng xuống cấp thực tế đề ra phương án tu bổ nhằm giữ gìn tối đa cấu kiện nguyên gốc, các cấu kiện gỗ tu bổ bằng gỗ lim. Tu bổ dựa trên nguyên trạng, nâng chiều cao từ nền đến dạ tàu lên từ 2,2m lên 2,35m để thuận tiện cho việc tế lễ và phù hợp với tỷ lệ kiến trúc truyền thống. Móng độc lập bằng bê tông cốt thép; móng băng xây bằng gạch chỉ, giằng móng bằng bê tông cốt thép; nền lát gạch Bát Tràng; bó thềm, chân tảng bằng đá xanh. Mái lợp ngói mũi hài, lắp đặt hệ thống điện; chống mối theo quy định hiện hành.

* Đại bái, Hậu cung (S=90m2):

Tu bổ dựa trên quy mô nguyên trạng; Hạ giải toàn bộ công trình từ mái đến móng, các kết cấu gỗ sau hạ giải xuống được phân loại, đánh giá tình trạng xuống cấp thực tế đề ra phương án tu bổ nhằm giữ gìn tối đa cấu kiện nguyên gốc, những cấu kiện hư hỏng một phần được tu bổ nối vá, thay cốp ốp mang theo đúng quy trình tu bổ, cấu kiện còn tốt giữ nguyên, vệ sinh bề mặt phun thuốc chống mối trước khi lắp dựng; các cấu kiện gỗ tu bổ bằng gỗ lim. Móng độc lập bằng bê tông cốt thép; móng băng xây bằng gạch chỉ vữa xi măng, giằng móng bằng bê tông cốt thép, tường xây gạch chỉ, trát vữa xi măng; nền lát gạch Bát Tràng; bậc đá, chân tảng bằng đá xanh, các con giống, họa tiết hoa văn được tu bổ theo phương pháp và vữa truyền thống; mái lợp ngói mũi hài, lắp đặt hệ thống điện; lắp đặt bình bọt tiêu lệnh chữa cháy, chống mối theo quy định hiện hành.

* Tôn tạo nhà Tả mạc-Bếp (S=61m2):

Hạ giải toàn bộ công trình từ mái đến móng, tôn tạo công trình theo kiến trúc truyền thống; các cấu kiện gỗ tu bổ bằng gỗ lim. Móng bằng bê tông cốt thép kết hợp xây bằng gạch chỉ vữa, giằng móng bằng bê tông cốt thép, tường xây gạch chỉ, trát vữa xi măng; nền lát gạch Bát Tràng; bó thềm, chân tảng bằng đá xanh; mái lợp ngói mũi hài, lắp đặt hệ thống điện; chống mối theo quy định hiện hành.

* Tôn tạo nhà Hữu mạc-kho (S=61m2):

Hạ giải toàn bộ công trình từ mái đến móng, tôn tạo công trình theo kiến trúc truyền thống; các cấu kiện gỗ tu bổ bằng gỗ lim. Móng bằng bê tông cốt thép kết hợp xây bằng gạch chỉ, giằng móng bằng bê tông cốt thép, tường xây gạch chỉ, trát vữa xi măng; nền lát gạch Bát Tràng; bó thềm, chân tảng bằng đá xanh; mái lợp ngói mũi hài, lắp đặt hệ thống điện; chống mối theo quy định hiện hành.

* Tôn tạo nhà vệ sinh (S=25m2):

  • Phá dỡ toàn bộ nhà vệ sinh hiện trạng.
  • Kiến trúc: Nhà vệ sinh gồm hai gian vệ sinh riêng biệt. Tường xây thu hồi bít dốc. Móng bằng bê tông cốt thép kết hợp xây gạch chỉ đặc vữa xi măng; tường xây gạch chỉ5; mái bằng bê tông cốt thép, dán ngói mũi hài, nền lát gạch chống trơn, tường ốp gạch ceramic; lắp đặt hệ thống điện, nước.

* Tôn tạo sân vườn, tường rào:

  • Lát sân gạch bát: Tôn nền sân. Gia cố nền sân bằng cát đen đầm chặt. Bê tông sân M200. Nền sân lát gạch Bát tràng.
  • Bo vỉa bồn cây: Lót móng M100 đá 2x4, móng xây gạch chỉ, lắp đặt bo vỉa bằng đá xanh,
  • Tường rào: Lót móng tường rào bằng bê tông xi măng dày 10 cm; Giằng móng bằng bê tông cốt thép, móng, tường xây gạch chỉ đặc vữa xi măng; đỉnh tường dán ngói âm dương, các họa tiết hoa văn đắp vẽ theo phương pháp truyền thống.
  • Rãnh thoát nước: Đáy rãnh bằng bê tông xi măng mác 150; tường rãnh xây gạch chỉ đặc vữa xi măng; trát vữa xi măng; tấm đan bằng bê tông cốt thép;
  • Lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng sân vườn.
  • Lắp đặt cổng nghi môn ngoại bằng sắt sơn tĩnh điện.
  • Trồng bổ sung cây xanh sân vườn.

* Lắp đặt hệ thống PCCC:

Lắp đặt thiết bị PCCC bằng bình bọt, bố trí bảng tiêu lệnh PCCC.

4. Danh sách các nhà thầu:

Đại diện Tư vấn thiết kế: Công ty TNHH Kiến trúc Bác Cổ

Đại diện Tư vấn Giám sát: Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Việt Max

Đại diện Nhà thầu TCXD: Công ty CP quản lý dự án đầu tư xây dựng.

5. Ngày khởi công và ngày hoàn thành:

Ngày khởi công: 19/04/2022. Ngày hoàn thành:  08/02/2023.

6. Khối lượng của các loại công việc xây dựng chủ yếu đã được thực hiện:

Hạng mục Nhà bao che, nhà bảo quản hiện vật, nhà Tiền Tế, nhà Đại Bái, Hậu Cung, nhà Tả Mạc, nhà Hữu Mạc, nhà vệ sinh, tôn tạo sân vườn, tường rào: Đã hoàn thành theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt.

7. Đánh giá về chất lượng hạng mục công trình, công trình xây dựng so với yêu cầu của thiết kế:

Chất lượng xây dựng công trình thi công theo đúng biện pháp, quy chuẩn trong xây lắp được nhà thầu và TVGS, BQLDA, CĐT nghiệm thu theo từng hạng mục xây lắp.

Thi công đúng biện pháp kỹ thuật và theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công đã được phê duyệt, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và an toàn lao động.

8. Báo cáo về các điều kiện để đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng:

Thi công đúng biện pháp kỹ thuật và theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công đã được phê duyệt, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và an toàn lao động được các cụ trong Ban Khánh tiết và nhân dân giám sát đáp ứng đủ điều kiện nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.

-----------------------------

(Trích từ bài phát biểu của ông Phạm Ngọc Lê - chủ tịch UBND xã Kim Chung tại buổi lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử - Nghệ thuật và khánh thành Quán Lai Xá ngày 12 - 2 - 2023)

Lai Xá, ngày 13 tháng 2 năm 2023

Phạm Anh Tuấn